'Nếu bệnh viện tự chủ quá mức vô tình sai đường lối của Đảng'

(PLO)- Có quan điểm cho rằng, nếu bệnh viện tự chủ quá mức thì vô tình tư nhân hóa, sai định hướng XHCN, sai đường lối của Đảng.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Đó là quan điểm của GS.TS, AHLĐ Nguyễn Anh Trí, đại biểu Quốc hội, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học Truyền máu Trung ương, khi chia sẻ tại tọa đàm “Tự chủ bệnh viện thế nào để phục vụ người dân tốt hơn”, chiều 14-11.

Chia sẻ quan điểm về vấn đề tự chủ toàn diện của khối bệnh viện công lập, ông Nguyễn Anh Trí cho rằng: Nếu theo Nghị định 60 thì nên tự chủ ở mức 2, mức 3, không có mức thứ nhất là tự chủ toàn diện, bao gồm cả đầu tư. Sau khi có Nghị quyết 33 thì cần một loạt hệ thống văn bản pháp quy phục vụ cho việc đó nhưng chưa có, chưa hoàn thiện.

Ông cũng cho rằng tự chủ là chủ trương rất đúng, là cơ chế rất hay nhưng tự chủ đến đâu? Nếu tự chủ quá mức vô tình tư nhân hóa, sai định hướng XHCN, sai đường lối của Đảng.

GS.TS, AHLĐ Nguyễn Anh Trí, đại biểu Quốc hội, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học Truyền máu Trung ương, chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: VGP

GS.TS, AHLĐ Nguyễn Anh Trí, đại biểu Quốc hội, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học Truyền máu Trung ương, chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: VGP

Dẫn chứng về những vướng mắc khi các BV thực hiện tự chủ theo Nghị quyết 33, ông Trí cho biết: Khi chuyển qua Nghị quyết 33 là tự chủ theo mức cao nhất thì có 3 cái vướng: Các văn bản pháp quy tháo gỡ chưa có và rất nguy cơ nếu làm là bị sai. Thứ hai là đúng vào dịch COVID-19, bệnh viện bị phong tỏa. Thứ ba là một loạt giám đốc vướng vào vòng lao lý. Đây là thời kỳ nặng nề nhất, khó nhất về cán bộ của Bệnh viện Bạch Mai. Ba lý do dồn lại một lúc nên các bệnh viện không thể làm được.

“Tôi rất ủng hộ Bệnh viện Bạch Mai, kể cả Bệnh viện K, trong việc tự chủ toàn diện nhưng theo Nghị quyết 33 thì tôi không ủng hộ. Tôi ủng hộ và đề nghị rất nhanh chóng quay trở lại tự chủ ở mức 2 hoặc mức 3, tốt nhất là ở mức tương ứng trong Nghị quyết 60. Đó là tự chủ có chi thường xuyên”- ông Trí nêu ý kiến.

Dưới góc độ là người đã từng có nhiều năm theo dõi công tác trong lĩnh vực ngành y, TS Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, nêu nhận định cá nhân về nguyên nhân thất bại của các BV thí điểm tự chủ toàn diện. Ông Lợi cho rằng có 3 vấn đề: Đầu tiên là thể chế, thể chế của chúng ta chưa đáp ứng yêu cầu để tự chủ toàn phần được. Vấn đề thứ hai là tổ chức thực hiện. Vấn đề cuối cùng có tính chất rất quyết định là cơ chế giá.

“Qua kinh nghiệm giám sát nhiều năm đối với ngành y tế, tôi thấy chưa có một cơ sở y tế nào, kể cả tuyến trên, tuyến cuối và tuyến chăm sóc sức khỏe ban đầu, chưa bệnh viện nào có đủ điều kiện để tự chủ toàn phần” – ông Lợi cho hay.

PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, cũng điểm một loạt những vướng mắc mà BV gặp phải khi thí điểm tự chủ toàn diện, trong đó ông nhấn mạnh về vấn đề giá. Ông Cơ cho rằng: Trong Nghị quyết 33 của Chính phủ, tự chủ toàn diện thì được tự chủ về giá. Nhưng thực tế chưa có quy định về giá. Tự chủ về giá là xây dựng về giá nhưng giá ở bệnh viện công lập vẫn phải tuân thủ quy định. Trong khi đó, BV công lập phải phục vụ an sinh xã hội chứ không thể nâng giá lên để thu được.

Ông Cơ cũng nhấn mạnh: Xã hội hóa y tế là chủ trương hoàn toàn đúng song cần những văn bản pháp quy rõ ràng về vấn đề này. Bây giờ tự chủ toàn diện BV thì chắc chắn phải xã hội hóa.

Trong xã hội hóa, các vấn đề liên doanh liên kết, thuê địa điểm, thuê máy móc thiết bị y tế… phải có văn bản pháp quy hết sức chặt chẽ để có hành lang pháp lý chuẩn.

“Nếu chúng ta không có hàng lang pháp lý thì cái khó nhất của tự chủ bệnh viện là ngại làm, không dám làm. Vấn đề là chưa có văn bản pháp quy, chưa có cơ chế, chính sách rõ ràng để hoạt động. Nếu làm chúng ta rất dễ vướng vào những sai phạm. Chúng ta phải có luật khám chữa bệnh, luật giá, luật bảo hiểm y tế… những văn bản pháp quy phải hết sức rõ ràng” – Giám đốc BV Bạch Mai nêu quan điểm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm