Sự thật như thế nào sẽ được các cơ quan chức năng làm rõ nhưng ai trong chúng ta cũng hiểu rằng tính mạng con người quý hơn tất thảy, việc cứu người không chỉ là trách nhiệm pháp lý mà còn là đạo lý. Tuy vậy, từ việc nhận thức chân lý ấy đến hành động cụ thể trong thực tế có khi lại là một khoảng cách dài...
Nhân sự kiện này, PLO giới thiệu những câu chuyện người thật việc thật của một tài xế có hàng chục năm trong nghề liên quan đến việc cứu giúp người bị nạn trong các vụ tai nạn giao thông mà ông từng trải nghiệm.
***
Là tài xế, thường xuyên lưu hành trên đường, chứng kiến nhiều người bị tai nạn giao thông nằm giữa đường chờ người có lòng nhân ái ra tay cứu giúp; có người kịp thời được cứu sống, có người trút hơi thở cuối cùng trong vô vọng, nên tôi thường dặn lòng mình rằng: “Dù xây chín bậc phù đồ /Không bằng làm phúc cứu cho một người”...
1. Câu chuyện cứu người bị tai nạn giao thông cách đây không lâu của tôi diễn ra ở quốc lộ 55, trên đường đưa Thủ trưởng đi họp.
Vì tính chất quan trọng của cuộc họp mà chúng tôi khởi hành từ khuya. Lúc trời còn lãng đãng sương, xe tôi ngang qua một khúc cua khuất tầm nhìn (xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc) thì khựng lại vì bị hai chiếc xe gắn máy nằm chỏng chơ chắn ngang đường.
Xuống xe, định dẹp đường để đi thì tôi nghe tiếng kêu rên ở vệ cỏ ven đường. Định thần nhìn kỹ thì tá hỏa: Hai nạn nhân, một nam, một nữ nằm sải cánh bên nhau, máu me đã chảy thành vũng. Cứu người ư? Tôi tự hỏi và nhận ra đường vắng vẻ, có lẽ từ khi tai nạn xảy ra chẳng có ai ngang qua đây, mình đụng tới mang họa là cái chắc; nhưng không ra tay cứu người bị nạn thì “cái thằng” trong tôi nó sẽ không để tôi yên mỗi khi mình ngồi trầm mặc.
Khó khăn này tôi đem phó thác cho Thủ trưởng đang ngồi trên xe bằng câu hỏi có định hướng: “Anh có dám cứu người bị tai nạn giao thông không? Hai người này nếu không được cấp cứu nhanh là bị chết đấy”. Thủ trưởng trố mắt nói: “Sao lại dám với không dám?”. “Dạ nếu cứu thì anh trễ cuộc họp và có thể chúng ta sẽ bị hiểu nhầm mình gây tai nạn”.
Thủ trưởng xuống xe thấy nạn nhân vậy thì tái mặt, vội vàng đem máy ảnh ra bấm lia lịa vài kiểu. Anh toan phụ tôi đưa nạn nhân lên xe thì có một người đi xe gắn máy ngang qua. Chúng tôi níu anh ta lại như người đuối nước vớ được phao, nhờ anh ta làm chứng, đưa nạn nhân lên xe và sau đó là đi báo công an. Thủ trưởng tôi thì ở lại bảo vệ hiện trường.
Trên đường đưa nạn nhân đến bệnh viện Xuyên Mộc, vài lần tôi phải dừng xe lại vì một nạn nhân lên cơn co giật đạp cửa xe rầm rầm, và phải ga rô cho một người bị vết thương hở ở chân. Đến bệnh viện, tôi hô hào đội ngũ y, bác sĩ nhanh tay cấp cứu nạn nhân. Sau đó họ cho biết một người đã qua cơn nguy kịch, người còn lại cần phải chuyển lên tuyến trên nhưng phải đợi sự có mặt của thân nhân họ.
Sau kết luận đó thì tôi bị bảo vệ đóng cổng bệnh viện giữ xe lại và phải tận hai giờ sau, khi Thủ trưởng tôi cùng với hai CSGT và người nhà nạn nhân có mặt tại bệnh viện thì tôi mới được “giải phóng”.
Theo kết luận của hai viên CSGT, nguyên nhân gây tai nạn là một người vội vã chở thủy sản ra chợ; người đi chiều ngược lại thì hối hả chạy lấy bánh mì về bán nên đã tông phải nhau.
Mở cửa xe, mùi thức ăn ói và mùi máu nạn nhân tanh nồng xộc vào mũi, tôi ái ngại hỏi Thủ trưởng mình: “Trễ họp rồi, có sao không anh?”. Anh nói: “Cứu người là việc cần làm, chẳng sao cả”.
Trên đường quay xe về, ngồi quán cóc ven đường, nhìn tôi vệ sinh xe mồ hôi ra ướt áo, thủ trưởng cầm chai nước tới nói: “Uống cho đỡ khát rồi làm việc em. Mày nhọc nhằn, còn tao thì trễ họp nhưng nếu làm ngơ chuyện này thì lương tâm anh em mình sẽ cắn rứt đấy”...
2. Năm ngoái, trên tỉnh lộ 864 hướng từ cao tốc Trung Lương về Bến Tre, xe tôi ngang qua địa bàn xã Trung An, thành phố Mỹ Tho (Tiền Giang) thì chứng kiến một vụ tai nạn nghiêm trọng. Đường thông thoáng, tầm nhìn xa, chiếc xe tải hạng nặng đi hướng ngược chiều xe tôi cứ thế mà đạp ga lao tới. Do thiếu quan sát, xe tải đã húc chiếc xe gắn máy chạy cùng chiều, lấn trái. Cú va chạm quá mạnh làm chiếc xe gắn máy văng lên cao rồi rớt xuống đường vỡ tan từng mảnh. Sau cú va chạm đó, chiếc xe tải loạng quạng lạc lái lao hẳn về bên phải và lại máng thêm... cậu bé đi xe đạp cùng chiều văng về phía trước mấy chục mét.
Tôi tức tốc cho xe dừng lại. Xuống xe nhìn hiện trường vụ tai nạn mà tôi nổi cả gai người. Cậu bé đi xe đạp nằm bất động, mắt trắng dã. Hai nạn nhân đi xe gắn máy văng ra, nằm cách nhau đến mấy chục mét, đang ngọ ngọe, tay chân gãy hở từng khúc, máu chảy thành vũng! Lúc này người dân sống ven đường và người đi đường tụ lại càng lúc càng đông. Họ đứng chật như nêm, nhưng chỉ đứng chỉ chỏ, không một ai tới gần giúp đỡ nạn nhân.
Người đi công tác trên xe tôi duy nhất là anh Đức Hiển (Tổng Thư ký tòa soạn báo Pháp Luật TP.HCM) buột miệng than: “Trời… không cứu nhanh thì họ chết mất!”.
Nhận được tín hiệu đồng tình, tôi tức tốc mở cửa xe hô hào những người đứng xem hãy mang cho tôi tấm áo mưa lót lên băng ghế sau xe tôi (vì nó được làm bằng nỉ, thấm máu sẽ không giặt được), để đưa nạn nhân đi cấp cứu. Tôi gào rát cả họng mà không được đáp ứng, lúc này Đức Hiển đã đưa được cậu bé lên ghế trước xe tôi rồi. Và khi có áo mưa thì tôi lại phải “gào” một lúc nữa mới có vài người phụ tôi bê được một nạn nhân lên xe.
Do xe tôi hết chỗ nên còn một nạn nhân nữa nằm chơ vơ giữa đường. Lúc này trên đường xe tải, xe du lịch, xe khách… ngược xuôi nhưng không xe nào chịu dừng lại. Một thanh niên cưỡi chiếc ba gác máy, hiếu kỳ dừng lại nhìn nạn nhân rồi cũng lắc đầu quầy quậy khi tôi đề nghị hãy ra tay làm việc thiện… May thay có một chiếc taxi Mai Linh dừng lại, người tài xế này, trên xe bước xuống, hợp sức cùng vài người đưa nạn nhân cuối cùng lên xe…
Sau khi đưa nạn nhân đến phòng cấp cứu, anh Hiển ở lại bệnh viện theo dõi tình hình nạn nhân và cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng xác định người gây tai nạn và người bị nạn. Cũng may chủ xe là người nhân hậu, được tin xe mình gây tai nạn, ông đã có mặt kịp thời ở bệnh viện với tinh thần bằng mọi giá phải cứu lấy người. Xong việc, tôi phải đưa xe mình xuống bờ sông để vệ sinh vì đến chỗ rửa xe nào họ cũng sợ xui. Chiều ấy, tôi với anh Hiển mệt lừ, bỏ ăn trưa nhưng lòng lại thấy thanh thản lạ lùng...
3. Chiều 30 tết vừa rồi, con rể tôi về nhà trong trạng thái mệt mỏi, máu me đầy người. Thấy con như vậy, bao nhiêu bực dọc trong tôi tan biến nhanh bởi nó đã để cả nhà đợi bữa cơm chiều cuối năm, liên lạc điện thoại thì không bắt máy. Tôi sững người hỏi con: “Trời con bị tai nạn hả?”. Nó uể oải trả lời: “Dạ không, con cứu người bị tai nạn giao thông, máu của nạn nhân đó. Nhưng suýt nữa mang họa vì bị người nhà nạn nhân hiểu lầm mình là người gây tai nạn”.
Chiều cuối năm con rể tôi đi quận 9 (TP.HCM) lấy nợ. Ngang qua một vòng xoay trên đường Phạm Văn Đồng thì chứng kiến người đàn ông trong tình trạng say xỉn phóng xe máy với tốc độ cao lao thẳng vào vòng xoay. Cú va chạm đã làm chiếc xe văng xa còn anh ta thì bị đập mặt xuống đường, nằm bất động, máu me đầy mặt.
Lúc này trên đường xe cộ ngược xuôi, có lẽ ai cũng hối hả lo về nhà chiều 30 tết nên họ dửng dưng không dừng xe lại. Động lòng con rể tôi dừng xe lại. Thấy nạn nhân đang nguy kịch nó bèn đem xe máy mình gửi một nhà gần đó rồi lấy điện thoại nạn nhân tìm số vừa mới gọi nhất, liên lạc nhờ người này thông báo cho người nhà nạn nhân biết, xong nó gọi xe cấp cứu.
Thật lâu, khi xe cấp cứu vừa tới thì người nhà nạn nhân cũng có mặt. Việc đầu tiên của họ là không cần biết ất giáp gì, cứ túm con tôi đánh tới tấp và đẩy nó lên xe bắt vào bệnh viện. Cũng may nhờ con tôi biết vài món võ thoát thân và nhờ những người dân sống gần đó chứng kiến tới ngăn can, không thì nó đã bị chuốc họa rồi.
Nghe con kể, tôi biết nó đã hành xử đúng, tuy nhiên không biết nói với con câu gì để khuyến khích con làm việc thiện mà tránh chuốc họa vào người!
TP.HCM, ngày 1-3-2016
Người kể: Trần Kiêm Hạ