Hồi sinh quân cảng Địa Trung Hải
Trong những năm 70, căn cứ hải quân TP Tartus được cho là cảng biển hậu cần đắc lực phục vụ đội tàu chiến số 5 của Hải quân Liên Xô tại biển Địa Trung Hải. Nga đang một lần nữa xây dựng Tartus trở thành căn cứ hải quân cho chiến hạm năng lượng hạt nhân hạng nặng của mình.
Phía Israel cho rằng việc biến Tartus trở thành căn cứ hải quân sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến các hoạt động hải quân của nước này, theo sau đó là Mỹ và NATO. Theo hãng tin RT, Nga và Syria năm 2016 đã đạt được thỏa thuận kéo dài 49 năm, cho phép “số lượng tối đa tàu chiến Nga được phép xuất hiện ở căn cứ hải quân cảng Tartus là 11 chiếc, gồm cả chiến hạm năng lượng hạt nhân, với điều kiện là các quy định an ninh sinh thái và hạt nhân được giám sát”.
Ảnh chụp tuần dương hạm tên lửa Đô đốc Ushakov chạy bằng năng lượng hạt nhân và tuần dương hạm tên lửa Tướng Ustinov vào năm 1992. Ảnh: Hải quân Mỹ
Thỏa thuận cũng cho Nga được quyền mở rộng cảng để có thể đủ không gian neo đậu các chiến hạm. Ngoài ra, Nga còn được phép đưa mọi loại "vũ khí, đạn dược, thiết bị và vật liệu" hỗ trợ an ninh cho cơ sở hải quân, thủy thủ đoàn và gia đình họ sinh sống trên lãnh thổ Syria "mà không phải đóng thuế". Theo trang bình luận National Interest, thỏa thuận cho thấy Nga muốn biến Tartus thành quân cảng chiến lược cho các chiến hạm hạt nhân và tàu ngầm hạt nhân của mình tại vùng biển khu vực.
“Peter Đại đế” sẽ đến Địa Trung Hải?
Theo hãng tin Sputnik (Nga), việc mở rộng căn cứ ở Tartus sẽ kéo dài khoảng năm năm. Quân cảng sẽ được cải tạo để có độ sâu đủ sức tiếp nhận các chiến hạm và thậm chí là tàu sân bay của Nga. Cơ sở hạ tầng trên đất liền như đường sá, kênh đào, trạm điện và doanh trại cũng sẽ được đầu tư mạnh. Sputnik cũng tiết lộ thêm một số nội dung của thỏa thuận như Nga sẽ triển khai quân sự đến phối hợp bảo vệ căn cứ; Moscow cũng cam kết hỗ trợ sửa chữa và bảo dưỡng tàu chiến Syria…
Thỏa thuận Tartus có sức ảnh hưởng lớn trên nhiều cấp độ. Đầu tiên, việc cải tạo cảng Tartus thành một quân cảng chiến lược báo hiệu Nga sẽ đưa đến khu vực phía đông biển Địa Trung Hải một trong những tàu chiến lớn nhất của mình: Tuần dương hạm hạt nhân "Peter Đại đế". Hạm đội tàu ngầm hạt nhân của Nga cũng có thể sẽ đến Tartus. Việc Nga triển khai không quân và hải quân bảo vệ Tartus cũng mở ra rủi ro đụng độ với lực lượng quân sự của Mỹ và Israel tại Syria.
Nói với tờ Jerusalem Post, Bộ trưởng Hải quân Israel - Chuẩn Đô đốc Dror Friedman nhận định: “Nhìn những hành động của Nga trên chiến trường và cách họ đang tìm cách cắm rễ lại Syria, các động thái của Nga tại cảng Tartus, rõ ràng Nga không hề có ý định thu dọn hành lý và rời khỏi khu vực này trong nay mai”.