Nga khoe robot chiến đấu kết hợp xe bọc thép và tổ hợp tên lửa

Bất ngờ thú vị
Xe bọc thép Tigr kết hợp với tổ hợp tên lửa Kornet
Xe bọc thép Tigr kết hợp với tổ hợp tên lửa Kornet

Ông Martyanov cho biết: “Chúng tôi sẽ sử dụng xe chiến đấu Tigr và lắp đặt trên đó 6 ống phóng tên lửa chống tăng có điều khiển Kornet”. Quan chức này cho biết thêm mẫu xe này đã gần được hoàn thiện để có thể hoạt động tự động và đưa vào trang bị cho quân đội. Ông đồng thời nhấn mạnh một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của robot chiến đấu là giảm thiểu nguy hiểm tính mạng và sức khỏe cho các quân nhân trong chiến đấu.

Theo đó, trong trường hợp không có người lái, Tigr kết hợp với Kornet sẽ hoạt động tự động hoặc được điều khiển từ xa.

Ngoài Tigr, Nga cũng đang tiến hành chế tạo hàng loạt sản phẩm mới trong lĩnh vực robot chiến đấu nhằm trang bị cho quân đội. Nếu không có gì thay đổi, Nga sẽ bắt đầu bàn giao cho quân đội các robot chiến đấu sau năm 2018.

Ông Martyanov nói: “Bí mật thì không ai tiết lộ cả nhưng có thể hiểu thế này đó là “tính bất ngờ của kỹ thuật quân sự”. Việc một loại vũ khí nào đó xuất hiện trên chiến trường cần phải gây bất ngờ cho đối phương. Chính vì vậy, chúng tôi không muốn một sản phẩm nào đó dù là cấp chiến thuật hay chiến dịch được quảng cáo trước khi chúng tôi sử dụng chúng”.

Nga đang biến Tigr và Kornet thành cỗ máy chiến đấu tự động
Nga đang biến Tigr và Kornet thành cỗ máy chiến đấu tự động

Quan chức này cũng úp mở rằng mẫu robot chiến đấu có thể được chế tạo trên cơ sở của bất kỳ cỗ xe nào. Điều quan trọng là chế tạo xong, chạy thử nghiệm trơn tru tất cả công nghệ cần thiết để truyền thông tin, điều khiển tín hiệu và nhận phản hồi. Đây cũng chính là những nội dung mà Nga đang tích cực nghiên cứu.

Đôi bạn đồng hành

Tổ hợp Kornet-D (phiên bản xuất khẩu là Kornet-EM) lần đầu tiên được Nga trình làng tại cuộc triển lãm quốc phòng DEFEXPO tại Ấn Độ năm 2012. Ngay từ khi đó, Kornet đã xuất hiện đồng hành với Tigr.

Các chuyên gia Nga hiện rất tự hào khi cho rằng việc kết hợp xe chiến đấu bọc thép với một tổ hợp tên lửa chính xác cao đa năng, có tầm bắn xa và có khả năng tiêu diệt cả các mục tiêu trên mặt đất và trên không là điều hoàn toàn hợp lý. Đây là mẫu vũ khí không có loại tương đương trên thế giới.

Tổ hợp Kornet-EM sử dụng 8 tên lửa sẵn sàng trong ống phóng và có 16 tên lửa tất cả. Khả năng phóng loạt tiêu diệt cùng lúc 2 mục tiêu giúp tăng đáng kể hiệu quả hỏa lực cũng như tốc độ bắn của toàn bộ tổ hợp. Tổ hợp này có thể sử dụng tất cả các loại tên lửa hiện có thuộc dòng Kornet-E.

Tổ hợp này cho phép đáp ứng các yêu cầu hiện đại bằng cách ứng dụng các giải pháp kỹ thuật tiên tiến nhưng lại tương đối rẻ.

Tigr và tổ hợp Kornet-EM
Tigr và tổ hợp Kornet-EM

Đặc điểm kỹ chiến thuật:

- Tầm bắn 150-10.000 m

- Hệ thống điều khiển hoàn toàn tự động, định hướng laser và chống nhiễu cao

- Có thể cùng lúc tiêu diệt 2 mục tiêu

- Đầu đạn có khả năng xuyên giáp dày tới 1.300 mm

- Đầu đạn nổ có sức công phá tương tương 7 kg TNT

- Cơ số đạn đầy đủ là 16 quả tên lửa, trong đó 8 quả sẵn sàng bắn

- Thời gian triển khai từ hành quân sang sẵn sàng chiến đấu mất 7 giây

Việc sử ứng dụng kỹ thuật ngắm và bám mục tiêu tự động giúp Kornet-EM có thể thực hiện phương pháp “bắn-và-quên”. Quá trình bắn hoàn toàn tự động cùng với khả năng bám mục tiêu với độ chính xác tăng gấp 5 lần trong thực tế chiến đấu giúp tăng khả năng tiêu diệt mục tiêu trong tầm bắn.

Tên lửa họ Kornet-E
Tên lửa họ Kornet-E

Một điểm đáng chú ý là tầm bắn của Kornet-EM xa hơn 2 lần so với Kornet-E. Khả năng tiêu diệt mục tiêu một cách tự động cũng giúp giảm gánh nặng về tâm lý đối với người sử dụng, giảm yêu cầu về chuyên môn cũng như thời gian huấn luyện.

Các tổ hợp tên lửa chống tăng Kornet đều được sản xuất theo kiểu modul nên cho phép bố trí riêng lẻ một hoặc hai ống phóng trên các phương tiện mang đa dạng, gồm cả các loại tương đối rẻ tiền và có tải trọng nhỏ của các nước khác nhau. Khối lượng tổ hợp 1 ống phóng là 0,8 tấn, còn 2 ống phóng là 1,2 tấn.

Thành phần tổ hợp Kornet-EM

Xe chiến đấu được lắp 1 hoặc 2 ống phóng cùng bàn điều khiển có màn hình. Hiện nay, Nga đang thử nghiệm lắp Kornet-EM trên xe bọc thép Tigr. Đặc điểm nổi bật là các tên lửa sẽ được ẩn trong thân ô tô và nhìn bên ngoài như một chiếc ô tô thông thường. Khi có tình huống đe dọa thực sự, thời gian triển khai tên lửa sang trạng thái sẵn sàn chiến đấu chỉ mất 7 giây.

Tên lửa có điều khiển với đầu đạn nổ trang bị cảm biến mục tiêu tiếp xúc hoặc không tiếp xúc với tầm bắn lên tới 10 km. Tuy nhiên, tên lửa có điều khiển chống tăng với đầu đạn xuyên phá chỉ có tầm bắn 8 km và khả năng xuyên giáp từ 1.100 đến 1.300 mm. Khả năng xuyên giáp này cho phép Kornet-EM tiêu diệt hiệu quả các loại tăng hiện nay cũng như trong tương lai.

Để chống các mục tiêu mặt đất dạng các xe bọc thép hạng nhẹ và bộ binh đi cùng, kể cả các mục tiêu được che đỡ, Kornet-EM có thể sử dụng đầu đạn áp nhiệt với công suất tương đương 10 kg thuốc nổ TNT.

Nếu chỉ mang theo 1 đến 2 ống phóng Kornet, Tigr sẽ như một chiếc xe bọc thép thông thường
Nếu chỉ mang theo 1 đến 2 ống phóng Kornet, Tigr sẽ như một chiếc xe bọc thép thông thường

Ngoài ra, Kornet-EM cũng có thể thực hiện hiệu quả nhiệm vụ tiêu diệt các mục tiêu trên không. Việc tổ hợp này được trang bị các tên lửa có điều khiển với đầu đạn áp nhiệt và cảm biến mục tiêu không tiếp xúc sẽ cho phép tiêu diệt tất cả các mục tiêu trên không trong tầm bắn. Cảm biến mục tiêu không tiếp xúc kết hợp với đầu đản nổ công suất lớn có thể tiêu diệt mục tiêu là máy bay không người lái hoặc trực thăng kể cả trong trường hợp bắn trượt cách 3 m.

Với những đặc điểm kỹ chiến thuật nổ trội, các chuyên gia quân sự Nga cho rằng Kornet-EM hiện là mẫu vũ khí chính xác cao tốt nhất dùng để tiêu diệt các mục tiêu trong tầm nhìn.

Tổ hợp vũ khí này có chức năng tổng hợp, vừa tấn công, vừa phòng thủ và nổi bật với hệ thống điều khiển có khả năng chống nhiễu, bảo đảm tác chiến hiệu quả cao với cả mục tiêu mặt đất và trên không. Nhờ vậy, tổ hợp Kornet-EM ngoài khả năng tác chiến trong mọi điều kiện thời tiết, còn có thể hoạt động tốt cả trong môi trường bị gây nhiễu điện tử và nhiễu quang học. 

Theo Đông Tây (Baodatviet.vn)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm