Cuối tháng 11 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục bổ sung, tăng thêm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 mà không cần các tổ chức tín dụng phải đề nghị. Đây là lần thứ hai trong năm nay, NHNN chủ động nới “room” tín dụng cho các ngân hàng đã “tiêu” hết chỉ tiêu tín dụng được giao từ đầu năm.
Ngân hàng Nhà nước chủ động nới room tín dụng
Mục tiêu tăng trưởng tín dụng của toàn ngành ngân hàng trong năm 2024 là đạt khoảng 15%. Tuy nhiên, tính đến ngày 22-11, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống mới đạt 11,12%. Trước đó, hết tháng 10, tăng trưởng tín dụng toàn ngành đạt khoảng 10,08% so với đầu năm nay. Trung bình mức tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống theo tháng đạt khoảng 1%.
Như vậy trong tháng cuối năm này, hệ thống ngân hàng cần phải đẩy hơn 500.000 tỉ đồng ra nền kinh tế thì mục tiêu trên mới hoàn thành.
Theo báo cáo phân tích lĩnh vực ngân hàng của VPBankS Research, đây là một thách thức của ngành nhưng vẫn có thể kỳ vọng vào nhu cầu xây dựng lại cuộc sống sau bão Yagi, những đơn hàng xuất khẩu cho năm mới, luồng vốn FDI mới từ các đối tác chiến lược toàn diện. Do vậy VPBankS Research dự báo mức tăng trưởng tín dụng 2024 ở mức 14,83%.
Mức tăng trưởng tín dụng của các tổ chức tín dụng không đồng đều, có các tổ chức tín dụng tăng trưởng thấp trong khi một số đơn vị tăng sát chỉ tiêu Ngân hàng Nhà nước đã cấp từ đầu năm.
Khi nhìn vào thống kê tăng trưởng tín dụng quý III, một số ngân hàng tư nhân tăng trưởng mạnh mẽ như TPBank, VIB, NamABank… được nới room thêm lên mức khoảng 18% và có thể trong tháng cuối năm sẽ được nới thêm nữa.
"Dù các ngân hàng tư nhân có tốc độ tăng trưởng tín dụng nhanh hơn so với khối ngân hàng vốn nhà nước nhưng xét về thị phần cho vay, nhóm ngân hàng quốc doanh gồm Vietcombank, Vietinbank, BIDV và Agribank đã chiếm tới gần 45% toàn hệ thống. Các ngân hàng tư nhân như MBB, VPB, TCB dù chiếm thị phần đáng kể so với các ngân hàng tư nhân khác nhưng nếu tính riêng 3 ngân hàng tư nhân hàng đầu này thì tín dụng cho vay mới chỉ gần bằng một mình BIDV mà thôi” - VPBankS Research nhận định.
Còn dư địa để tăng trưởng tín dụng
Trong bối cảnh kinh tế Việt Nam năm 2024, tín dụng bán lẻ được thúc đẩy bởi một số động lực quan trọng.
Trước tiên, sự phục hồi của các doanh nghiệp nhỏ và vừa đã tạo nên lực đẩy cho nhu cầu vốn. Trong 10 tháng đầu năm, cả nước ghi nhận hơn 202.300 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay lại hoạt động, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Mặc dù tổng vốn đăng ký bổ sung giảm nhẹ 4,7%, số vốn bình quân mỗi doanh nghiệp tăng 2,2%. Điều này cho thấy sự ổn định và cải thiện dần trong năng lực tài chính của các doanh nghiệp.
Ngoài ra, chỉ số PMI tháng 10-2024 đạt 51,2 điểm, phản ánh sự phục hồi mạnh mẽ của hoạt động sản xuất, giúp ổn định việc làm và duy trì sức mua của người lao động. Đồng thời, cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 23,31 tỉ USD trong 10 tháng đầu năm, góp phần ổn định tỉ giá và tăng dự trữ ngoại hối, từ đó hỗ trợ niềm tin kinh tế và khả năng tiếp cận vốn.
Bên cạnh đó, đầu tư nước ngoài cũng tiếp tục tăng trưởng tích cực với số vốn đăng ký mới và điều chỉnh đạt 8,35 tỉ USD, tăng 41,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Vốn thực hiện đạt 19,6 tỉ USD, tăng 8,8% so với cùng kỳ 2023, phản ánh sự quan tâm mạnh mẽ từ các nhà đầu tư quốc tế.
Cuối cùng, vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước đạt 495.900 tỉ đồng, đảm bảo hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng và kích cầu trong nước.
Tất cả các yếu tố này hội tụ, tạo nền tảng vững chắc cho tín dụng bán lẻ tiếp tục mở rộng trong thời gian tới.
Do vậy, dư nợ bán lẻ ở các ngân hàng bán lẻ tăng trưởng trung bình ở mức 7% so với đầu năm. Trong đó, tăng trưởng lớn nhất là ACB (tăng 11,7% so với đầu năm) chủ yếu từ mảng cho vay mua nhà (tăng 14,1% so với đầu năm).
Ở mảng cho vay ô tô, VPB đang có mức tăng trưởng tốt nhất với 8,6% so với đầu năm, đứng thứ 2 về thị phần chỉ sau VIB.