Ngân hàng có thể sống khỏe nhờ dịch vụ bán lẻ

(PLO)- Theo các chuyên gia, các ngân hàng có tỉ trọng bán lẻ cao sẽ duy trì được tốc độ tăng trưởng lợi nhuận cao hơn trung bình ngành trong năm 2023.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong bối cảnh lãi suất huy động tăng mạnh, thị trường vốn và bất động sản thắt chặt hơn, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của ngành ngân hàng được dự báo sẽ chậm lại trong năm 2023 so với mức nền cao năm 2022 trước những áp lực đối với biên lãi ròng (NIM) và chất lượng tài sản trong trung hạn.

Theo ước tính của hầu hết công ty chứng khoán, các ngân hàng Việt Nam sẽ đạt tăng trưởng lợi nhuận trung bình trên 10% (so với mức tăng trưởng trung bình là 35% trong năm 2022 và 32% trong năm 2021).

Đồng thời, triển vọng lợi nhuận giữa các nhóm ngân hàng sẽ có sự phân hóa, trong đó các ngân hàng có tỉ trọng bán lẻ cao và chất lượng tài sản tốt vẫn sẽ duy trì được tốc độ tăng trưởng lợi nhuận cao hơn trung bình ngành.

“Do bối cảnh kinh tế vĩ mô cũng như áp lực lạm phát, một bộ phận lớn cư dân sẽ có xu hướng hạn chế chi tiêu và tăng tiết kiệm cũng như tìm kiếm kênh đầu tư an toàn dài hạn. Thêm vào đó, các ngân hàng cũng đang nỗ lực giảm thiểu rủi ro tập trung, vì vậy kênh tín dụng bán lẻ vẫn được kỳ vọng là động lực tăng trưởng chính trong năm 2023”, Chứng khoán MiraeAsset nhận định.

Chứng khoán VNDirect cũng cho rằng, cho vay bán lẻ sẽ được ưu tiên trong năm 2023 và đây sẽ là lợi thế lớn đối với các ngân hàng tập trung vào phân khúc này.

“Những ngân hàng có tỉ trọng bán lẻ và tỉ lệ CASA cao sẽ có khả năng chống chọi với việc NIM bị thu hẹp. Hiện VIB và ACB là hai ngân hàng có tỉ trọng bán lẻ cao nhất trong danh sách theo dõi lần lượt ở mức 87% và 64%. VietinBank, VPBank, TPBank, và MB cũng là những cái tên đáng chú ý khi đã thành công trong việc nâng tỷ trọng bán lẻ trong năm 2022”, VnDirect cho hay.

Trên thực tế, bán lẻ đã là mũi nhọn chiến lược của nhiều ngân hàng trong những năm qua và một số nhà băng đã đạt tỉ trọng bán lẻ trên dưới 90%.

Tại Việt Nam, VIB và ACB đang là những ngân hàng dẫn đầu về tỉ trọng bán lẻ, đều đạt trên dưới 90% trong tổng danh mục. Những nhà băng khác, chẳng hạn như MB, cũng ghi nhận tỉ trọng bán lẻ liên tục tăng mạnh những năm gần đây, hiện cũng đã chiếm trên 50%.

Tại tờ trình ĐHĐCĐ thường niên 2023, lãnh đạo VIB cho biết sẽ tiếp tục tập trung vào lĩnh vực ngân hàng bán lẻ và dẫn đầu thị trường về tính năng và độ cạnh tranh của các dòng sản phẩm cho vay mua nhà, mua ô tô, kinh doanh, thẻ tín dụng, tiền gửi gói sản phẩm chi lương, ngân hàng giao dịch, ngân hàng số…

VIB nhấn mạnh sẽ tiếp tục đầu tư mạnh mẽ về công nghệ và con người, tinh xảo hóa các bộ công cụ và thuật toán để tiếp tục gia tăng thu hút khách hàng và tăng tỷ lệ sử dụng sản phẩm trên mỗi khách hàng trong thời gian tới.

Tương tự, tập trung vào tín dụng bán lẻ và chuyển đổi số cũng là một trong những giải pháp chính được Vietcombank và các ngân hàng khác đưa ra trong kế hoạch kinh doanh năm nay nhằm đạt được các mục tiêu đề ra.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm