Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2024, Đồng bằng sông Cửu Long bắt đầu vào mùa thu hoạch rộ vụ lúa Đông Xuân 2023-2024. Để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu lúa, gạo bền vững, minh bạch, hiệu quả trong tình hình mới, ngày 2-3-2024, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 10 giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ ngành chức năng, trong đó nhấn mạnh yêu cầu về cung tín dụng.
Tại Ngân hàng TMCP Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank), hàng nghìn tỷ đồng cũng bắt đầu giải ngân cho các doanh nghiệp sản xuất lúa gạo, hệ thống đại lý và bà con nông dân để cùng chủ động cho vụ mùa trọng điểm Đông Xuân và kế hoạch năm 2024.
Nguồn vốn thuận lợi cho kỳ vọng kỷ lục mới
Năm 2023, ngành lúa gạo Việt Nam đã phá những kỷ lục trong 34 năm xuất khẩu (về sản lượng, giá trị và giá xuất khẩu bình quân): đạt trên 8,1 triệu tấn gạo, trị giá gần 4,7 tỷ USD, tăng 14,4% về lượng và 35,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.
Những tháng đầu năm 2024 và vụ Đông Xuân hiện nay, thị trường lúa gạo tiếp tục biến động. Nhưng theo đánh giá của Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), thị trường xuất khẩu gạo năm 2024 vẫn có nhiều động lực và tình hình vẫn thuận lợi; nhu cầu gạo trên thế giới vẫn duy trì ở mức cao.
Đó cũng là điểm mở cho kỳ vọng gạo Việt tiếp tục hướng đến những kỷ lục mới. Góp sức cho kỳ vọng, nguồn vốn ngân hàng đang có những điểm thuận. So với năm kỷ lục 2023 của ngành lúa gạo, khởi đầu năm 2024 với mùa thu hoạch rộ vụ Đông Xuân, nguồn vốn của các ngân hàng dồi dào và mặt bằng lãi suất đã giảm sâu; một số ngân hàng năng động trong lĩnh vực này đang có những cân đối tốt.
Theo đại diện HDBank, bên cạnh hoạt động cho vay vốn lưu động và ngắn hạn bám sát các mùa vụ, ngành lúa gạo còn có nhu cầu vốn trung và dài hạn để đầu tư xây dựng hạ tầng nhà xưởng, thiết bị sản xuất... Hiện HDBank đang có lợi thế lớn để đáp ứng, khi tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn, tỷ lệ cho vay so với huy động đều nằm sâu dưới giới hạn quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Ở định hướng chung, tại Chỉ thị số 10 vừa ban hành, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận nguồn tín dụng với lãi suất ưu đãi, đáp ứng đủ nhu cầu tín dụng phục vụ thu mua lúa và xuất khẩu gạo, nhất là thu mua lúa vụ Đông Xuân 2023-2024 tại Đồng bằng Sông Cửu Long.
Giá trị và xu thế mới phía sau những kỷ lục
Cũng tại văn bản trên, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét ban hành Chương trình tín dụng hỗ trợ liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao và phát thải thấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long giữa hợp tác xã với doanh nghiệp.
Trước khi có chương trình trên, một số ngân hàng thương mại thời gian đã chủ động xây dựng chính sách cho vay theo các chuỗi giá trị, trong đó có ngành hàng lúa gạo, gắn với trách nhiệm trong sản xuất với môi trường.
Theo đại diện HDBank, đó là một cấu phần của tín dụng xanh, trách nhiệm của ngân hàng trong thực thi ESG (các tiêu chuẩn về Môi trường, Xã hội và Quản trị). Và chính việc đáp ứng và tuân thủ chặt chẽ ESG đã góp phần tạo những giá trị phía sau những kỷ lục mới của ngành lúa gạo Việt Nam.
Từ tháng 3 này, HDBank bắt đầu những đợt giải ngân mới với gần 5.000 tỷ đồng cho Tập đoàn Lộc Trời- Tập đoàn dịch vụ nông nghiệp hàng đầu Việt Nam, nhằm đáp ứng nhu cầu vốn mùa thu hoạch trọng điểm vụ Đông Xuân 2023-2024 tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
"HDBank tập trung cho lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn, bao gồm ngành hàng lúa gạo, bởi đây là một thị trường rộng lớn, có những chuỗi liên kết, chuỗi giá trị chặt chẽ và hiệu quả. Như tại Lộc Trời, một hệ sinh thái các công ty sản xuất, chế biến, thương mại và xuất khẩu, gắn kết với hệ thống đại lý và các hộ nông dân để cùng vượt qua được các chuẩn mực khắt khe như tại thị trường châu Âu. Vậy nên, phía sau những kỷ lục của ngành hàng lúa gạo là những giá trị của tăng trưởng xanh và phát triển bền vững", ông Phạm Quốc Thanh- Tổng Giám đốc HDBank lý giải.
Hiện nay, một xu thế đang ngày càng định rõ tại các thị trường phát triển là người tiêu dùng đòi hỏi minh bạch và chú trọng ở cách tạo ra sản phẩm, gắn với trách nhiệm bảo vệ môi trường và xã hội, bao gồm cả trách nhiệm của nguồn vốn.