Nhiều ngân hàng triển khai các gói cho vay lãi suất ưu đãi với quy mô lớn nhằm hưởng ứng thông điệp kêu gọi giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.
Trong bối cảnh triển vọng kinh tế toàn cầu còn nhiều bất định, tăng trưởng kinh tế trong nước còn nhiều khó khăn, NHNN chỉ đạo, vận động các tổ chức tín dụng nỗ lực tiết giảm chi phí để phấn đấu giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp và người dân phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, hiện lãi suất cho vay VND phát sinh mới của các ngân hàng thương mại ở mức khoảng 8,9%/năm (giảm khoảng 1%/năm so với cuối năm 2022).
Quan sát thị trường trong thời gian gần đây, một số ngân hàng đã đưa ra các gói cho vay hỗ trợ lãi suất tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh – lĩnh vực được Ngân hàng Nhà nước khuyến khích tăng trưởng dư nợ.
Giảm lãi suất cho vay khó diễn ra đồng loạt và trên diện rộng. |
Mới đây, ngân hàng quyết định giảm thêm đến 1%/năm cho khách hàng có khoản vay từ ngày 15-6 đến hết tháng 7-2023, áp dụng đồng thời với các chương trình giảm lãi suất khác của VIB. Như vậy, khách hàng vay kinh doanh tại VIB trong thời gian này có thể được hưởng mức lãi suất chỉ từ 7%/năm. Ngoài ra, người vay mua bất động sản được giảm thêm 0,5% cho các khoản giải ngân mới từ ngày 15-6 đến 31-7-2023.
Từ đầu năm 2023 đến nay, VIB đã 4 lần giảm lãi suất cho vay, với các mức giảm từ 0,5 – 3,5%/năm tùy theo điều kiện khoản vay, điều kiện khách hàng. Mức lãi suất vay kinh doanh dành cho khách hàng cá nhân hoặc chủ doanh nghiệp siêu nhỏ, thường xuyên giao dịch tại VIB chỉ từ 8%/năm.
Trước đó, MB cũng đã triển khai chương trình vay dành cho cá nhân kinh doanh với lãi suất ưu đãi chỉ từ 0,7%/tháng tương đương 8,5%/năm, được áp dụng ngay từ thời điểm giải ngân.
Chia sẻ với báo chí, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết: Hiện nay nguồn vốn huy động thị trường trái phiếu, chứng khoán và thị trường bất động sản còn đang gặp nhiều khó khăn, chưa khôi phục nhanh, dẫn đến trách nhiệm cung ứng nguồn vốn của ngân hàng càng nặng nề.
“Ai cũng mong muốn lãi suất cho vay thấp, nguồn tiền cho vay nhiều để hỗ trợ doanh nghiệp. Ngân hàng cũng mong như vậy, nhưng để giải quyết vấn đề này phải hài hoà và tạo sự cân bằng giữa khả năng vay và hấp thụ vốn của doanh nghiệp. Điểm cân bằng này là vai trò của nhà nước”, lãnh đạo NHNN nói.
Tính đến ngày 15-6, tín dụng toàn nền kinh tế mới tăng 3,36% so với cuối năm 2022. Lý giải về nguyên nhân khiến tăng trưởng tín dụng trong 5 tháng đầu năm nay rất thấp, lãnh đạo ngân hàng cho biết: "Trong bối cảnh khó khăn chung, cầu đầu tư sản xuất kinh doanh và cầu tiêu dùng đều giảm dẫn đến cầu tín dụng cũng giảm tương ứng. Bên cạnh đó, có một số nhóm khách hàng có nhu cầu vay nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn hoặc còn vướng mắc thủ tục pháp lý. Hoặc việc tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã trong bối cảnh hiện này còn khó khăn hơn do khách hàng có năng lực tài chính, quản trị điều hành, phương án kinh doanh còn hạn chế".
"Chúng tôi hiểu rằng cần phải tìm mọi điều kiện để hỗ trợ nhóm khách hàng này, nhưng liệu các ngân hàng thương mại đưa vốn vào doanh nghiệp nhỏ và vừa mà không thu hồi được thì có dám hay không. Do đó, cần phải có sự vào cuộc của nhiều bộ ngành mới có thể giải quyết nút thắt trong vấn đề này", ông Tú nhấn mạnh.