Trong đó, ngân sách chi cho giáo dục mầm non chiếm 16,4%. Đó là số liệu do bà Đào Thị Hương Lan, Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM, cho biết tại buổi làm việc với Ban Văn hóa Xã hội HĐND TP.HCM về giáo dục mầm non sáng 16-4.
Theo đó, đối với các cơ sở mầm non công lập, mỗi trẻ mầm non thuộc khối nhà trẻ sẽ được hỗ trợ 10.065.000 đồng/năm, trẻ mẫu giáo là 6.572.000 đồng/năm. Các trẻ khó khăn được miễn, giảm học phí, hỗ trợ tiền ăn trưa. Với giáo viên, theo chính sách từ trung ương, ngoài lương nhà nước, giáo viên mầm non đang được hỗ trợ các khoản: Phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thêm giờ, thâm niên. Giáo viên mầm non ngoài công lập nếu có mức lương thấp hơn mức tối thiểu vùng cũng sẽ được Nhà nước hỗ trợ khoản chênh lệch. Riêng TP còn các chính sách hỗ trợ như trợ cấp vùng sâu vùng xa, giáo viên dạy trẻ khuyết tật, kiêm nhiệm phổ biến kiến thức pháp luật, làm thêm giờ đi sớm về trễ.
Trước đề xuất của Sở GD&ĐT về việc có định biên cho nhân viên bảo mẫu, hỗ trợ ngân sách cho các cơ sở nuôi dạy trẻ năm tuổi và 6-18 tháng… bà Hương Lan cho rằng phía ngành giáo dục cần phải tính toán kỹ và cụ thể về số lượng người được hưởng và cân nhắc đến khả năng ngân sách TP rồi mới đề xuất chứ không phải muốn là được. Vì nhu cầu thực tế rất nhiều nên cần phân định rõ cái nào cần hỗ trợ trực tiếp, cái nào gián tiếp, không nên cào bằng.
Theo bà Lan, đối với mầm non ngoài công lập, Nhà nước nên có chính sách khuyến khích xã hội hóa như cho vay vốn kích cầu, miễn, giảm tiền thuê đất, hỗ trợ chi phí đào tạo bồi dưỡng, tạo điều kiện thuận lợi trong cấp giấy phép… Như thế sẽ thiết thực và chất lượng hơn, nâng cao trách nhiệm của các cơ sở giáo dục hơn.
P.ANH