Ngày 10-11, Cần Thơ và An Giang lại lập ‘kỷ lục’ về số F0 mới

Ngày 10-11, TP Cần Thơ ghi nhận thêm 579 ca nhiễm COVID-19, 182 ca ra viện, một ca tử vong. Trong số ca nhiễm mới có 284 ca trong khu cách ly và cách ly tại nhà, 169 ca trong khu phong tỏa, 126 ca qua xét nghiệm sàng lọc cơ sở y tế và cộng đồng.

Tính từ ngày 8-7 đến nay, Cần Thơ đã có 10.989 ca nhiễm, trong đó đã điều trị khỏi 6.965 ca, 120 ca tử vong. Hiện TP đang điều trị 2.794 ca. Trong số các bệnh nhân nặng và nguy kịch đang điều trị có 42 người thở oxy mặt nạ, 15 người thở HFNC (oxy dòng cao), năm người thở máy không xâm lấn và sáu người thở máy xâm lấn.

Hôm nay Cần Thơ lại lập "kỷ lục" về số F0 mới trong ngày với 579 ca. Ảnh: Cổng thông tin COVID-19 Cần Thơ.

Tỉnh An Giang hôm nay ghi nhận 597 ca nhiễm, nâng tổng số ca nhiễm trên địa bàn lên 15.672 ca.

Các huyện trong ngày có số ca nhiễm cao như Tịnh Biên 103 người (28 người trong cộng đồng), An Phú 95 ca (36 ca cộng đồng), TP Châu Đốc 50 ca (48 ca cộng đồng).

Trong ngày, tỉnh Bến Tre có thêm 80 ca mắc COVID-19, trong đó có 59 ca trong cộng đồng, 10 ca trong khu cách ly, 11 ca cách ly tại nhà.

Đến nay, tổng số ca nhiễm trên toàn tỉnh là 3.007 người, trong đó có 2.207 ca ra viện, 53 ca tử vong. Cạnh đó, tỉnh đã có hơn 1,3 triệu người tiêm vaccine phòng COVID-19, đạt 88,82% dân số trên 18 tuổi được tiêm mũi 1, trong đó 44,77% dân số tiêm đủ 2 mũi.

Tỉnh Vĩnh Long ghi nhận 157 trường hợp nghi nhiễm trong ngày, gồm 45 ca qua xét nghiệm sàng lọc cộng đồng, 33 ca qua khám và sàng lọc tại cơ sở y tế, 24 ca qua xét nghiệm sàng lọc là công nhân Công ty TNHH Tỷ Bách và 55 người là F1 được cách ly tập trung trước đó.

Từ ngày 1-1 đến nay, Vĩnh Long có 3.629 ca nhiễm, đã điều trị khỏi 2.628 trường hợp, 49 ca tử vong.

Hôm nay, tỉnh Đồng Tháp ghi nhận 274 ca nhiễm (giảm 105 ca so với hôm qua) gồm 20 ca về từ vùng dịch, 74 ca trong các cơ sở cách ly y tế, 2 ca trong cơ sở điều trị, 150 ca trong khu phong tỏa, 28 ca trong cộng đồng.

Tổng số ca mắc trên địa bàn đến nay là 11.849 ca, đã điều trị khỏi 9.469 ca và ghi nhận 226 ca tử vong.

Từ hôm nay Đồng Tháp cũng đã tạm ngừng hoạt động bốn tuyến xe buýt trên địa bàn tỉnh để đảm bảo công tác phòng, chống dịch.

Trong ngày, tỉnh Trà Vinh ghi nhận 74 ca nhiễm mới, gồm 38 ca phát hiện trong cộng đồng, 23 ca là người về từ ngoài tỉnh, 11 ca trong khu cách ly và 2 ca qua sàng lọc tại cơ sở y tế.

Đến này, toàn tỉnh Trà Vinh ghi nhận 3.699 ca nhiễm, đã điều trị khỏi 2.204 người, 27 trường hợp tử vong.

Cùng ngày, UBND tỉnh Trà Vinh đã có công văn việc tiếp tục tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19

Theo đó, tỉnh yêu cầu các đơn vị tăng cường kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, nhất là tại bệnh viện, cơ sở sản xuất, chợ, siêu thị, bến xe...

Đồng thời, Sở Y tế chủ trì phối hợp với cơ quan đơn vị liên quan căn cứ các quy định hướng dẫn của Bộ Y tế và tình hình thực tiễn của tỉnh khẩn trương ban hành văn bản hướng dẫn về điều kiện, cách thức quản lý, chăm sóc điều trị một số trường hợp F0 không triệu chứng và cách ly F1 tại gia đình, khi đánh giá có hiệu quả sẽ nhân rộng; Chuẩn bị sẵn phương án, kịch bản phòng chống dịch, nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở…

Theo kế hoạch, từ ngày 13 đến 15-11, Trà Vinh sẽ tiến hành tiêm vaccine cho 43.206 học sinh từ lớp 9 đến lớp 12 trên địa bàn tỉnh.

Từ tối 9-11 đến sáng 10-11, tỉnh Hậu Giang ghi nhận 55 ca nhiễm mới. Trong đó, có 22 ca cộng đồng, 25 ca là F1 đã được cách ly tập trung trước đó.

Từ đầu dịch đến nay, Hậu Giang phát hiện 2.035 ca, điều trị khỏi 1.142 ca, hiện đang cách ly điều trị 884 ca, trong đó, điều trị tại Trung tâm ICU – Bệnh viện Phổi tỉnh (tầng 3) là 37 ca.

Trong ngày, Sở Y tế tỉnh này cũng ban hành thông báo cập nhật, công bố đánh giá cấp độ dịch đối với xã, phường, thị trấn, ấp, khu vực trên địa bàn tỉnh. Theo đó, số địa phương cấp xã có dịch cấp độ 3 (nguy cơ cao), 4 (nguy cơ rất cao) tăng so với tuần trước, số xã có dịch cấp độ 4 tăng từ 9 lên 12 xã.

Cùng ngày, Sở Y tế tỉnh Kiên Giang ban hành Kế hoạch thành lập Câu lạc bộ (CLB) Thầy thuốc hướng dẫn, tư vấn online về chăm sóc, điều trị người mắc COVID-19 tại nhà và dự kiến sẽ ra mắt vào ngày 24-11.

CLB có nhiệm vụ tư vấn cho bệnh nhân, người nhà của bệnh nhân mắc COVID-19 và người tiếp xúc với bệnh nhân đang thực hiện cách ly tại nhà cách phòng bệnh, phòng lây lan, cách tự chăm sóc và điều trị tại nhà. Đồng thời, liên hệ với y tế địa phương để thông tin tình hình của người bệnh và các vấn đề về y tế khác của người đang cách ly, đang tự theo dõi sức khỏe hoặc điều trị tại nhà để y tế địa phương hỗ trợ kịp thời.

Về hình thức hoạt động, các thầy thuốc tham gia CLB sẽ trực tiếp tư vấn qua số điện thoại được công bố theo từng địa bàn phụ trách hoặc qua Zalo, thời gian hoạt động từ 19 giờ đến 20 giờ 30 hàng ngày.

Từ ngày 10-11, TP Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng) chính thức thực hiện điều chỉnh cấp độ dịch từ cấp độ 2 (nguy cơ trung bình) lên cấp độ 3 (nguy cơ cao). Tuy nhiên, hoạt động xổ số kiến thiết vẫn được duy trì và sẽ cấp thẻ xanh cho người bán vé số đã tiêm đủ 2 mũi vaccine.

Cụ thể, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh thống nhất chủ trương cho phép người bán vé số lẻ được bán tại các điểm cố định và được bán vé số dạo khi đã tiêm đủ 2 liều vaccine. Ban Chỉ đạo tỉnh cũng đề nghị các địa phương đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine, trong đó, ưu tiên tiêm đủ hai liều cho người bán vé số lẻ.

Ngày 10-11, theo ghi nhận của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bạc Liêu, trong 24 giờ qua trên địa bàn tỉnh  ghi nhận 234 trường hợpcó kết quả RT-PCR khẳng định dương tính với vi rút SARS-CoV-2, trong đó 130 ca ghi nhận tại cộng đồng, phát hiện qua lấy mẫu xét nghiệm cộng đồng. Như vậy đến nay, bạc Liêu có tổng cộng 5.956 ca mắc COVID-19, trong đó đã khỏi bệnh 1.991 trường hợp, 3.912 trường hợp đang điều trị và số ca tử vong đến nay là 53 trường hợp. 

Tại Cà Mau, trong ngày ghi nhận 180 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc COVID-19 toàn tỉnh đến nay là 3.423 ca. 

Thông tin từ Sở y tế tỉnh Cà Mau, đến nay tỉnh này đã thành lập 96 trạm y tế lưu động, trực thuộc các Trung tâm y tế huyện, thành phố trong tỉnh. Đã có 43 trạm y tế lưu động đã sẵn sàng cho công việc hỗ trợ điệu trị F0 tại nhà theo chủ trương của UBND tỉnh này. 

Việc chuẩn bị điều trị F0 tại nhà của tỉnh Cà Mau diễn ra hơn tuần qua. Ngoài việc chuẩn bị địa điểm, nhân lực, Cà Mau đã mời các chuyên gia từ TP.HCM hỗ trợ tập huấn công tác điều trị F0.  Hiện, theo các trạm yế đã thành lập trạm y tế lưu động, cái thiếu là nhân lực, mặt nạ ô xy, máy thở, đồ bảo hộ…

Trước đó, từ ngày 29-10-2021, Chủ tịch tỉnh Cà Mau đã cho Chủ trương điều trị F0 tại nhà, với các quy định như hướng dẫn của Bộ y tế. Đó là các F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ và có điều kiện về dịch tể của như điều kiện nơi điều trị tại nhà đảm bảo theo yêu cầu chung của Bộ Y tế. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm