"Hai nhánh mới lên xuống cầu Nguyễn Văn Cừ có tổng mức đầu tư hơn 168 tỉ đồng, sẽ được xây dựng vào ngày 24-11 và hoàn thành thông xe sau chín tháng thi công!" - ngày 21-11, Sở GTVT cho biết như trên.
Phối cảnh hai nhánh lên xuống cầu Nguyễn Văn Cừ.
Theo thiết kế, hai nhánh N1 và N2 có kết cấu bê tông cốt thép với tuổi thọ là 100 năm. Theo đó, nhánh N1 lên từ đường Võ Văn Kiệt (hướng từ huyện Bình Chánh về hầm Thủ Thiêm) sẽ dành cho dòng xe lên cầu Nguyễn Văn Cừ để quẹo phải xuống nhánh rẽ về hướng đường Bến Vân Đồn, quận 4 hoặc đi thẳng đổ xuống đường Dương Bá Trạc, quận 8. Chiều dài nhánh N1 hơn 165 m.
Nhánh N2 cho dòng xe từ quận 8, quận 4 qua trên mặt cầu Nguyễn Văn Cừ rẽ phải xuống đường Võ Văn Kiệt đi về hướng hầm Thủ Thiêm. Nhánh N2 dài hơn 141 m.
"Cạnh đó, Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn (trung tâm - chủ đầu tư công trình) còn xây dựng kè đá hộc để gia cố và bảo vệ mái taluy dọc rạch Bến Nghé, chiều dài khoảng 533 m, trồng cây xanh vỉa hè sát bờ kênh, thảm cỏ dưới hai nhánh cầu N1, N2 dọc tuyến..." - ông Lê Minh Triết, Phó Giám đốc trung tâm, cho biết.
Cầu Nguyễn Văn Cừ được hoàn thành, đưa vào sử dụng từ ngày 28-4-2009.
Sau hơn sáu năm đưa vào sử dụng, do không có nhánh cầu kết nối với đại lộ Võ Văn Kiệt nên các loại xe từ quận 4, quận 8 muốn đi vào đại lộ này phải chạy qua giao lộ Trần Hưng Đạo - Nguyễn Văn Cừ mới ra được đường Võ Văn Kiệt. Cùng đó, dòng xe từ quận 1, quận 5 muốn sang quận 4, quận 8 đều phải dồn về đường Trần Hưng Đạo để lên cầu Nguyễn Văn Cừ. Chính vì vậy giao thông tại giao lộ này thường xuyên xảy ra ùn tắc ở cả hai chiều và lan rộng ra đường Nguyễn Biểu, cầu Chữ Y...
Giao lộ Nguyễn Văn Cừ - Trần Hưng Đạo thường xuyên kẹt ở cả hai chiều do chưa có nhánh lên xuống cầu.
Theo ông Lê Minh Triết, việc làm thêm hai nhánh lên xuống cầu Nguyễn Văn Cừ sẽ làm tăng hiệu quả khai thác đường Võ Văn Kiệt, tạo thuận lợi cho các luồng xe giao thông từ quận 1, quận 5 qua quận 7, quận 8, khu Nam Sài Gòn và ngược lại.