Ngày càng nhiều học sinh 'nổi loạn' do bị mất kết nối

(PLO)- Học sinh hiện nay "nổi loạn" nhiều hơn do các em có những vấn đề bức bối trong cảm xúc. Lý do, các em bị mất kết nối với gia đình và nhà trường. 

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 15-11, báo Tiền Phong tổ chức lễ ra mắt chương trình “Hỗ trợ tâm lý học đường – Đưa chuyên gia đến với trường học” tại Trường THPT Marie Curie. Tại đây, TS Phạm Thị Thúy, Học viện Hành chính Quốc gia Phân viện tại TP.HCM đã có những chia sẻ về những rối loạn tâm lý do học sinh bị mất kết nối.

Ngày càng nhiều học sinh 'nổi loạn' do bị mất kết nối
TS Phạm Thị Thúy nhấn mạnh chính việc mất kết nối với gia đình, nhà trường khiến học sinh bị rối loạn về tâm lý nhiều hơn, nhiều em phải nhờ đến sự can thiệp của chuyên gia. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Theo TS Phạm Thị Thúy, hiện học sinh nổi loạn nhiều hơn do bức bối trong cảm xúc. Các em bị mất kết nối với chính mình, gia đình và nhà trường.

Các em hoài nghi vào bản thân, đây là trạng thái tâm lý phổ biến của trẻ vị thành niên. Các em mất kết nối với gia đình khi không thể trò chuyện với cha mẹ do họ không có kỹ năng lắng nghe. Các em mất kết nối với giáo viên do nhiều thầy cô vẫn dạy theo phương pháp cũ, khó thu hút. “Do đó trẻ em hiện nay như nồi áp suất cần được xả van” – TS Thúy nhấn mạnh

Dẫn chứng thêm về vấn đề trên, TS Phạm Thị Thúy nhớ lại hình ảnh học sinh lớp 8 vừa nói vừa khóc trong một diễn đàn được tổ chức tại Bình Dương.

Ngày càng nhiều học sinh 'nổi loạn' do bị mất kết nối
Học sinh Trường THPT Marie Curie tham dự chương trình sáng nay. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Em chia sẻ rất ít có thời gian trò chuyện với ba mẹ. Khi em đang ngủ ba mẹ đã đi làm, khi ba mẹ về em đã vào giấc. Ba mẹ quá bận nên hầu như không có thời gian quan tâm đến em, nếu có chỉ những lời la mắng như không được chơi game, không xem phim nữa. Hầu như em ít có bữa cơm chung vui cùng gia đình.

“Đó chính là biểu hiện của việc mất kết nối và điều đó khiến em buồn và bật khóc trước đám đông. Tuy nhiên đây không còn là chuyện nhỏ, không phải nỗi buồn nhất thời nhưng ba mẹ không hề hay biết” – TS Thúy bộc bạch.

Một học sinh khác có vấn đề về trầm cảm nhưng khi đề cập đến việc tìm chuyên gia với mẹ của mình thì họ không tin và cho rằng con chỉ gặp rắc rối tâm lý vị thành niên.

“Vì thế, cô bé bơ vơ, tự tìm hiểu và vô tình gặp tôi. Hai cô trò đồng hành hơn 1 năm trời thì bé dần dần ổn định” – TS Thúy nhớ lại và cho biết em học sinh đó gặp vấn đề tâm lý do bố mẹ ly hôn.

Thời điểm đó, do dịch bệnh, việc học được thực hiện trực tuyến, con khó giao tiếp với bạn bè. Mâu thuẫn xuất hiện, không thể chia sẻ với mẹ, con bị rối loạn lo âu, mất ngủ và có những biểu hiện trầm cảm nhẹ.

Ngày càng nhiều học sinh 'nổi loạn' do bị mất kết nối
Phòng tư vấn tâm lý của Trường THPT Marie Curie được bố trí ở khu vực kín đáo, ít người đi lại. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

“May mắn con đã được can thiệp kịp thời” – TS Thúy nói và khẳng định việc tham vấn tâm lý cho học sinh rất quan trọng. Không chỉ học sinh, phụ huynh và giáo viên cũng cần được tham vấn, cần sự chia sẻ và lắng nghe. Bởi giáo viên có những bức bối trong việc dạy nhưng không thể giải tỏa, phụ huynh cũng vướng mắc khi không thể kết nối với con cái.

“Tôi ủng hộ chương trình xây dựng trường học hạnh phúc đang được triển khai. Qúa trình tham vấn học đường cần thực hiện song song với chương trình trên. Bởi trường học hạnh phúc sẽ phòng ngừa được vấn đề tâm lý. Xây dựng trường học hạnh phúc là xây dựng giờ học hạnh phúc, lớp học hạnh phúc, học sinh hạnh phúc. Như vậy, mối quan hệ mất kết nối sẽ được giải quyết” - TS Thúy chia sẻ thêm.

Theo kế hoạch của chương trình, trong năm 2023-2024, dự án sẽ đưa các chuyên gia tâm lý đến 20 trường THCS, THPT tại TP.HCM để giúp học sinh có kỹ năng vượt qua giải quyết các vấn đề của mình và tập trung học tập hiệu quả.

Tại mỗi trường học, chương trình sẽ tổ chức các chuyên đề như ứng xử văn minh trên mạng xã hội; cảnh báo, ngăn chặn vấn nạn bạo lực học đường; kỹ năng phòng chống xâm hại; giảm stress trong học tập...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm