Ngày mai (12-12), toàn bộ hệ thống tuyến đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông bắt đầu vận hành thử trong vòng 20 ngày.
Theo đó, 9/13 đoàn tàu (ba tàu dự phòng) sẽ hoạt động liên tục từ 5 giờ sáng đến 23 giờ hàng ngày, theo hai hướng từ đầu tuyến đến cuối tuyến (Cát Linh – Yên Nghĩa).
Dự kiến vào cuối tháng 1-2021, Bộ GTVT sẽ thực hiện các thủ tục bàn giao dự án cho TP Hà Nội khai thác thương mại. Ảnh: V.LONG
Lãnh đạo Bộ GTVT, cho biết trong thời gian vận hành thử, Tổng thầu Trung Quốc sẽ hướng dẫn các nhân sự Việt Nam (được đào tạo tại Trung Quốc) thực hiện vận hành dự án.
Quá trình này, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước, tư vấn độc lập Pháp (Liên danh Apave - Certifer – Tricc, do Việt Nam thuê), chủ đầu tư sẽ cùng giám sát và đưa ra đánh giá an toàn, kỹ thuật khai thác.
Trong đó, tư vấn Pháp sẽ có những đánh giá riêng. Nếu đạt các yêu cầu kỹ thuật, an toàn thì tư vấn Pháp mới cấp chứng chỉ cho dự án. Căn cứ chứng chỉ này, Bộ GTVT sẽ bàn giao cho UBND TP Hà Nội đưa vào khai thác thương mại.
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông có tổng chiều dài hơn 13 km, 12 nhà ga và 13 đoàn tàu. Mỗi đoàn tàu có 4 toa, sức chở hơn 900 người, tối đa 1.326 người, vận tốc thiết kế 80km/h, vận tốc khai thác thương mại trung bình 35km/h.
Dự kiến khi đi vào khai thác ở giai đoạn đầu tần suất chạy tàu 6-7 phút/chuyến, về sau sẽ nâng lên 2-3 phút/chuyến, mỗi giờ vận chuyển tối đa được 28.500 hành khách.
Nhân sự vận hành toàn hệ thống đường sắt Cát Linh – Hà Đông dự kiến gần 700 người. Trong đó, có 200 người được đào tạo ở Trung Quốc.
Thời gian qua, dù dự án đã hoàn thành công tác xây dựng, tuy nhiên trong quá trình nghiệm thu, đánh giá, chứng nhận an toàn hệ thống thì Tổng thầu Trung Quốc chưa cung cấp được các chứng chỉ, hồ sơ tài liệu kỹ thuật an toàn, các kết quả thử nghiệm an toàn từ nhà sản xuất.
Cạnh đó, chưa thực hiện đầy đủ giải pháp đánh giá bằng thử nghiệm thực tế tại hiện trường, dẫn đến chưa đủ cơ sở để tư vấn độc lập hoàn tất đánh giá an toàn của đoàn tàu.
Vì vậy, tư vấn Pháp đề xuất thực hiện công tác đánh giá kiểm chứng tại hiện trường trong thời gian vận hành 20 ngày cuối cùng và diễn tập các tình huống khẩn cấp.
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông được Bộ GTVT phê duyệt đầu tư vào tháng 10-2008 với tổng mức đầu tư hơn 8.700 tỉ đồng (tương đương 552 triệu USD). Quá trình thực hiện, dự án được điều chỉnh lên 18.000 tỉ đồng (tương đương 868 triệu USD). Dự án sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ Trung Quốc với giá trị hơn 669 triệu USD, vốn đối ứng Việt Nam hơn 198 triệu USD. Dự án thực hiện theo hình thức hợp đồng EPC trọn gói, trong đó Tổng thầu là Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc. Thời hạn bảo hành dự án là 2 năm. |