Ngày 9-12, TAND TP.HCM bắt đầu phần thẩm vấn vụ Nguyễn Thái Luyện và 22 bị cáo khác bị truy tố các tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền.
Bị cáo Luyện (chủ tịch HĐQT Công ty Alibaba) phủ nhận toàn bộ cáo buộc của VKS. Một dạ hai thưa chủ tọa, Luyện cho biết mình học ĐH Mở, chuyên ngành kinh tế luật.
Nguyễn Thái Luyện kêu oan
Người điều hành “tập đoàn” Alibaba cho rằng cáo trạng truy tố bị cáo lừa đảo có tám điểm không đúng, gây oan sai. Luyện trình bày: “Trước tiên, tôi không lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cáo trạng có nhiều điểm chưa đúng sự thật”.
Bị cáo Nguyễn Thái Luyện trong phiên xử ngày 9-12. Ảnh: NGUYỆT NHI |
Tại tòa, Luyện nói: “Tôi đã xuất bản hàng trăm cuốn cẩm nang, phát cho nhân viên, khách hàng; trong đó có cẩm nang viết về quy định pháp luật, phát hành nội bộ công ty. Tôi tổ chức mở bán công khai, tổ chức cho khách hàng đi tham quan. Tôi có mua lại của khách hàng, chưa để ai phải mất tiền”.
Bị cáo này còn cho rằng hằng ngày công ty mở bán công khai, giải đáp thắc mắc, có xe đưa đón khách hàng đi xem đất đai, việc thu mua lại là đúng quy định. Cáo buộc lừa đảo là mâu thuẫn với Điều 174 BLHS. Luyện cũng “bẻ” cáo trạng khi ghi các bị can khác khai nhận, thừa nhận làm sai theo chỉ đạo của mình. Bị cáo Luyện khẳng định “chỉ đạo đồng nghiệp là đúng quy định pháp luật”.
Luyện thừa nhận là người có quyền lực cao nhất tại Công ty Alibaba, đưa ra chủ trương, mức giá đất, chỉ đạo thành lập các pháp nhân. Những người đứng đầu 22 công ty có 58 dự án “ma” mà cáo trạng nhắc đến thì đang là bị cáo trong vụ án. Mọi hoạt động của 22 pháp nhân phải báo cáo cho Luyện.
Đi vào việc hình thành các dự án, Luyện viện dẫn Luật Đất đai rằng người sử dụng đất có quyền chuyển nhượng nên mua lại đất để làm dự án. Trước khi mua sẽ tìm hiểu đất có quy hoạch đất ở hay không rồi sẽ mua, hợp nhất thành dự án. Bị cáo sẽ hiến một phần làm đường rồi phân lô đất còn lại. Cách làm của bị cáo dựa trên Luật Đất đai và các quy định về tách thửa. Hầu hết tại quận 9 cũ các chủ đầu tư nhỏ lẻ đều có cách làm giống công ty bị cáo. Luyện lý giải đất nông nghiệp có quy hoạch đất ở thì có thể lập dự án, thu gom đất.
Cũng tại tòa, CEO Alibaba khẳng định nguồn vốn đăng ký thành lập doanh nghiệp là tiền của mình. Các công ty con lập ra để thành lập dự án còn hoạt động phải thông qua Công ty Địa ốc Alibaba. Định hướng của công ty sẽ bao quát các hoạt động hết từ môi giới, chủ đầu tư, xây dựng hạ tầng dự án, truyền thông, vận tải, thời trang…
Công ty vận tải để đưa khách mua đất, truyền thông nội bộ để tổ chức mua bán, sản xuất phim về mua bán bất động sản. Nói về công ty thời trang, Luyện cho là thời trang Alibaba phục vụ cho hơn 2.600 nhân viên và định hướng phát triển lên thương hiệu thời trang công sở Alibaba. Về truyền thông, Luyện cho rằng các thông tin đưa lên mạng xã hội là đúng sự thật không có thêu dệt…
Các bị cáo từng giữ chức vụ lãnh đạo trong hệ thống 22 công ty con do Luyện thành lập để phục vụ việc kinh doanh của Công ty Alibaba khai “có tiếng nhưng không có miếng”. Họ chỉ nhận lương bằng với nhân viên bán hàng của công ty, nếu không đạt được doanh số theo yêu cầu của Luyện.
Từ bán cà phê thành tổng giám đốc
Được xét hỏi sau anh trai, bị cáo Nguyễn Thái Lĩnh (tổng giám đốc Công ty Alibaba) trình bày trước bán cà phê cho anh, sau về làm tổng giám đốc Công ty Alibaba. Bị cáo nói năm 2016, khi anh trai thành lập Công ty Alibaba, bị cáo được Luyện nhờ về làm giám đốc kinh doanh. Trong quá trình làm giám đốc, mỗi khi Luyện đưa giấy tờ, nói ký thì bị cáo ký và không biết đó là giấy tờ gì.
Về việc ký hợp đồng nhận chuyển nhượng dự án, mỗi khi ký hợp đồng, bị cáo được Nguyễn Huỳnh Tú Trinh (phụ trách pháp lý Công ty Alibaba) đưa tới các địa phương ký mà không biết dự án ở đâu, bán cho ai. Lĩnh khai không nhớ đã đứng tên bao nhiêu hợp đồng và “khi bị bắt, tại cơ quan điều tra, bị cáo đã biết mình vi phạm pháp luật”.
Hồ sơ thể hiện theo chỉ đạo của Luyện, Lĩnh đã đứng tên nhận chuyển nhượng 92 thửa đất nông nghiệp ở các tỉnh Đồng Nai, Bình Thuận, từ nguồn tiền bất hợp pháp chiếm dụng từ khách hàng của Công ty Alibaba. Sau khi hoàn tất thủ tục đặt cọc hoặc chuyển nhượng, Lĩnh ký ủy thác cho bị cáo Võ Thị Thanh Mai (vợ Luyện) và Trần Huy Phúc (giám đốc, đại diện theo pháp luật Công ty Law Firm, Công ty 108) để thực hiện vẽ, lập dự án dân cư không có thật, phân lô trái pháp luật, quảng cáo gian dối… để chiếm đoạt số tiền lớn của khách hàng.•
“Nếu anh bị bắt thì bán đất đi trả tiền cho khách hàng”
Bị cáo Mai (giám đốc Công ty CP Alibaba Law Firm, vợ Luyện) cho rằng cáo trạng truy tố tội rửa tiền là oan. Mai khai không chỉ đạo em chồng rút tiền nhưng thừa nhận hành vi lừa đảo.
Bị cáo Võ Thị Thanh Mai (vợ Luyện) tại tòa. Ảnh: NGUYỆT NHI |
VKS có đề cập đến một lá thư giữa hai vợ chồng Mai và chỉ trích câu Luyện dặn: “Nếu anh bị bắt thì bán đất đi trả tiền cho khách hàng”. Trả lời VKS về việc tại sao Luyện lại biết trước việc mình bị bắt, vợ Luyện khai rằng trước đó Luyện có phát ngôn không phù hợp trên mạng khiến cơ quan chức năng mời lên làm việc. Lúc đó, Luyện nghĩ có thể mình sẽ bị khởi tố vì phát ngôn này nên dặn Mai và các nhân viên trong Công ty Alibaba rằng nếu mình bị bắt thì bán đất để trả tiền cho khách hàng.
Về số tiền 13 tỉ đồng bị cáo buộc rửa tiền, Mai khai do công ty có nợ nên Mai rút tiền ra trả nợ. Mai đã trả cho ngân hàng 2 tỉ đồng, còn 11 tỉ đồng thì trả cho người quen đã góp vốn vào Công ty Alibaba. VKS hỏi những người được trả nợ là ai thì câu trả lời của bị cáo này từ lúc bị khởi tố điều tra đến giờ đều là “không thể khai tên những người nhận tiền bởi đây là chuyện riêng tư”.
Tuy nhiên, theo VKS, đây là khoản tiền thu của khách hàng nhưng Mai đã sử dụng vào việc riêng là không đúng và là hành vi rửa tiền như truy tố.