Ngày xuân và trống trận Quang Trung

Hàng năm, cứ mỗi độ xuân đến, khách thập phương lại kéo về làng Phú Lạc, Tây Sơn (Bình Định) dự lễ hội Đống Đa. Từ điện Quang Trung vang lên khúc nhạc bằng mười hai chiếc trống hùng hồn, giục giã, thôi thúc lòng người. Trong các môn võ cổ truyền dành cho chiến đấu chống giặc ngoại xâm của Tây Sơn, có một bộ môn riêng mà không một môn phái võ thuật nào có được, đó chính là “nhạc võ”.

Nhạc võ là phương pháp dùng âm thanh vào việc nâng cao khí thế luyện tập võ nghệ cũng như tăng cường ý chí chiến đấu của quân sĩ khi xung trận. Tương truyền, ba anh em Tây Sơn hay dùng nhạc trống sau mỗi lần chiến thắng, mừng vui thắng lợi.

Người đánh trống là một cụ già, đại diện cho các bô lão hay một em bé, con cháu của quê hương Quang Trung. Mười hai chiếc trống to nhỏ khác nhau, tạo nên những nốt nhạc, có khi cả những hòa âm thú vị.

Trống để theo hình trăng khuyết, loại âm thanh cao để gần người đánh, loại trung ở giữa và trầm ở xa hơn. Hình trăng khuyết ấy thoạt nhìn dễ nhận ra ngay một vẻ đẹp nên thơ của một nhạc cụ, nhưng đồng thời cũng tạo thuận tiện cho người đánh trống đứng ở điểm tâm.

ngay xuan va trong tran quang trung hinh 0
Múa võ tại lễ hội Gò Đống Đa - Hà Nội
Tất cả trống xếp liền nhau trong tầm tay của người đánh. Nghệ nhân không những nhạy cảm, khéo và nhanh tay mà cả đôi chân di chuyển nhún nhảy tiến lui như người múa. Tuy mười hai trống, nhưng tùy vị trí của chiếc dùi ở tay nghệ sĩ gõ, âm thanh có nhiều sắc thái khác nhau do đánh giữa trống, cạnh hay tang trống.

Có khi tay bịt, tay kia đánh. Có khi hai tay đánh cùng một trống, vị trí chỉ xê dịch một chút, nhưng âm thanh thành chùm đôi thú vị. Thông thường dùi trống một đầu để cầm và đầu kia để đánh, nhưng với nhạc trống Quang Trung, nghệ nhân tay cầm giữa dùi, đánh cả hai đầu, tạo nên sắc thái âm thanh hấp dẫn.

Nhưng nếu nghiên cứu kỹ ba chương hồi của nhạc trống, ta thấy mỗi phần được sử dụng khác nhau. Chương một, tiếng trống tập hợp quân lính: chững chạc, vang dội. 

Chương hai, hành quân và chiến đấu: giai điệu, âm thanh, tiết tấu nhanh gọn, dứt khoát, thể hiện bản lĩnh chiến đấu của quân Tây Sơn, tốc chiến, tốc thắng. Chương ba, khải hoàn: giai điệu trở về trầm tĩnh, chững chạc và không nén được niềm vui, niềm tự hào của đội quân trăm trận đánh, trăm trận thắng.

Nền của dàn nhạc vẫn là những âm cổ truyền, hò, xự, xang, xê, cống và nâng cao từ nhạc lễ tế ngày xưa. Điều thú vị, dưới cách nhìn và sử dụng của nghĩa quân Tây Sơn, nhất là của vị anh hùng Nguyễn Huệ, nhạc lễ ấy được cải biên, nâng cao để phục vụ quân đội và công cuộc chiến đấu chống giặc ngoại xâm.

Năm 1954, các nghệ nhân Bình Định tập kết ra Bắc đem theo hồn nhạc và cách đánh trống độc đáo ấy. Các nhạc sĩ, nghệ nhân đã nâng cao nhạc trống Quang Trung thành tiết mục giới thiệu với nhân dân cả nước và khách nước ngoài. Bộ Văn Hóa Liên Xô trước đây đã từng mời các nghệ nhân Đinh Quả, Văn Bá Anh, Nguyễn Chất… sang Liên Xô biểu diễn.

Các nghệ sĩ, từ người đánh trống đến dàn nhạc đệm (kèn, nhị, mõ, bạt), đều có những nét sáng tạo. Trong tiếng kèn của mình, người nghệ sĩ đã bịt hơi, dồn hơi tạo nên những âm thanh giòn giã như tiếng pháo nổ ở cả chương một - hành quân quyết giành chiến thắng và chương hai - chương quyết chiến đấu. 

ngay xuan va trong tran quang trung hinh 2
Quân và dân ta phất cờ khởi nghĩa
Khi tiếng trống chuyển vào chương hai, người nghe cảm thấy cuộc chiến đấu dữ dội, tiếng vũ khí va vào nhau, tiếng súng nổ, tiếng hò reo náo động của nghĩa quân Tây Sơn..

Chương 3 thể hiện không khí đoàn quân ca khúc khải hoàn, thường dùng âm nhạc hồi triệu của hát bội để mừng chiến thắng. Khi toàn bộ bản “hòa tấu” này phối hợp lại với phần võ thuật thì trở thành nhạc võ mang tên Nhạc Võ Tây Sơn, hoặc trống trận Quang Trung là vậy.

Trống trận Tây Sơn gồm 12 chiếc tượng trưng cho 12 con giáp (Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi – Xếp thành 3 bậc trên giá đỡ, ứng với triết lý Tam Tài “Thiên, Địa, Nhân” – Trời, Đất, Người). Mỗi trống có âm khác nhau. trống nhỏ nhất có đường kính là 20cm và các trống cứ lớn dần lên thêm 2cm nữa.  

Trống nhỏ nhất là trống Tý, trống to nhất là trống Hợi. Khi đánh, bao giờ cũng khởi đầu bằng trống Tý. Nghệ thuật đánh bằng 4 đầu dùi, có khi phải múa để đánh. Người biểu diễn khai thác được các âm sắc. Khi kết hợp với múa, âm sắc được tạo ra rất phong phú hấp dẫn. 

Các bậc cao niên còn cho biết thêm: Ngày xưa có tất cả 17 trống, 12 chiếc đánh bằng dùi, còn 5 chiếc đánh bằng đầu (dùng đầu mình thay dùi) hay bằng khuỷu tay, hoặc bằng gót chân thay dùi.

Năm 1977, trong Liên hoan đàn hát dân ca khu vực Miền Trung và Tây Nguyên do Bộ Văn Hóa tổ chức tại thành phố Nha Trang, chúng tôi đã thu thanh tiêt mục Trống trận Quang Trung. Người biểu diễn 12 cái trống là một bé gái mới 14 tuổi mà đã biểu diễn rất thành thạo đến độ điêu luyện. 

ngay xuan va trong tran quang trung hinh 3

Nghệ nhân Nguyễn Thị Thuận đang biểu diễn

Ban giám khảo chúng tôi đều thống nhất tặng Huy chương Vàng. Cô bé ấy chính là nghệ nhân Nguyễn Thị Thuận, đang làm việc ở Nhà Bảo tàng Quang Trung - Tây Sơn, Bình Định hiện nay. Trả lời phỏng vấn, Nguyễn Thị Thuận cho biết: Khi tập bài trống, trước tiên chỉ tập với một hoặc hai trống nhỏ, sau đó dần dần ráp 12 chiếc lại. 

Để tập được thành thục, phải mất thời gian khoảng hai năm. Muốn đánh được bài trống này không chỉ cần tập luyện chăm chỉ đến thành thạo mà còn cần phải nhập tâm vào nó, nhất là đoạn xung trận  hãm thành. Khi đó người chơi trống phải thể hiện được sự dồn dập của binh khí và tung hô khi hãm thành của nghĩa quân Tây Sơn quê hương. Chỉ riêng một trống thôi cũng có thể cho những âm thanh khác nhau tùy vào vị trí gõ của dùi trống, và cả chất liệu bịt mặt trống…

ngay xuan va trong tran quang trung hinh 4
Hòa bình lập lại trên mảnh đất quê hương, vua Quang Trung và Hoàng hậu Ngọc Hân nâng cao cành đào mừng xuân mới
Tết đến xuân về, nghe lại tiết mục 12 chiếc trống, chúng ta nhớ đến người anh hùng áo vải Quang Trung – Nguyễn Huệ (1753 – 1792), người đã lãnh đạo nghĩa quân Tây Sơn làm nên chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa vào mùa xuân Kỷ Dậu -  1789, tiêu diệt hàng vạn quân Mãn Thanh, làm vẻ vang cho dân tộc Việt Nam anh hùng giàu truyền thống chống giặc ngoại xâm./.

Theo Nhạc sĩ Dân Huyền (VOV)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm