Ăn tết hai quê

Người cũ, người mới; người Bắc, người Trung, người Nam nhận nơi này làm quê hương thì đã là người Sài Gòn.

Những người ăn tết ở hai quê

Tuy vậy, những “người Sài Gòn mới” này vẫn “một bổn hai quê”, vì hầu hết họ còn bà con thân tộc - kể cả nhiều người còn cha mẹ ở quê. Năm hết tết đến hầu như ai cũng muốn về thăm quê hương bản quán, bà con họ hàng. Nhiều người chọn cách “ăn tết hai quê”. Ba mươi, mùng 1, mùng 2 ăn tết ở Sài Gòn, mùng 2, mùng 3 lên tàu xe về quê ăn tết tiếp. Sắp xếp như vậy vừa tiện lợi lại tránh được cảnh tranh mua vé tàu xe, bị “chặt chém” nếu đi trước tết.

Một người bạn tôi là kiến trúc sư, vợ làm ngân hàng, có hai con còn đi học phổ thông. Cha mẹ ruột ở Nha Trang, cha mẹ vợ ở Huế. Họ có cuộc sống khá ổn định trong một căn hộ cao cấp ở quận 7. Năm nào vợ chồng bạn tôi cũng ăn tết tới ba nơi. Ba mươi, mùng 1 họ ở Sài Gòn ăn tết, thăm viếng bạn bè, đồng nghiệp, hương khói thờ cúng cho nhà cửa ấm áp đầu năm. Qua mùng 2, cả gia đình lên tàu tốc hành về Nha Trang ăn tết với gia đình bên nội, vài ngày sau tiếp tục lên tàu ra Huế ăn tết với gia đình bên ngoại. Mùng 6 họ bay về lại Sài Gòn để chuẩn bị đi làm, đi học. Một cặp vợ chồng cao tuổi tôi quen trong những lần đi tập thể dục sáng. Sáng nào hai ông bà cũng cặp kè đi bộ cả hơn tiếng đồng hồ nên dù cả hai đều hưu trí nhưng vẫn còn rất khỏe. Ông quê ở Bình Định, trước làm trong ngành xây dựng. Còn bà quê tận Tuyên Quang, nhân viên trên tàu Thống Nhất. Ông gặp bà trên tàu rồi đi đến hôn nhân. Ông khoe ngày còn trẻ bà đẹp lắm. “Chè Thái, gái Tuyên” mà! Thường thì mỗi năm sau khi ăn tết Sài Gòn với con cháu, chừng mùng 3, mùng 4 hai ông bà lại tiếp tục về quê ăn tết tiếp. Ông còn mấy người em ở ngoài quê, mồ mả cha mẹ cũng ngoài ấy nên năm nào cũng phải về quê cúng ông bà, cha mẹ. Ông bảo về quê ăn tết nhân lễ hội kỷ niệm chiến thắng Đống Đa mùng 5 tháng Giêng âm lịch, tổ chức tại đền thờ Tây Sơn tam kiệt ở thị trấn Phú Phong đông vui lắm. Thỉnh thoảng ông cũng đưa bà về Tuyên Quang ăn tết muộn.

Dĩ nhiên không phải ai cũng có điều kiện như gia đình ông bạn kiến trúc sư hay ông bà cán bộ hưu trí vừa kể. Nhưng như ông bà ta đã dạy “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”. Mỗi người tùy hoàn cảnh vẫn có thể thu xếp vừa ăn tết Sài Gòn vừa về quê ăn tết cho trọn tình trọn nghĩa.

Người ngụ cư về quê ăn tết

Lượng người về quê đông đảo nhất là thời gian trước tết. Mỗi năm có hàng triệu người tranh thủ về quê ăn tết. Theo một thông báo mới nhất của ngành giao thông TP.HCM thì dự kiến trong 10 ngày cuối năm nay có đến 900.000 người về quê ăn tết. Đa số họ quê miền Bắc, miền Trung vào làm việc ở TP.HCM và các tỉnh lân cận có nhiều khu công nghiệp như Bình Dương, Đồng Nai. Có người làm suốt năm, có người làm thời vụ. Nhưng dù gì thì cuối năm cũng tranh thủ về quê ăn tết, bởi còn cha mẹ, vợ con ngoài đó. Thời gian cao điểm nhất là từ sau rằm tháng Chạp đến trước tết vài ngày. Như một điệp khúc, năm nào cái cảnh chen lấn mua vé tàu xe cũng xảy ra, giá vé tăng gấp đôi, gấp ba. Thế nhưng nhiều người vẫn không mua được, phải mua vé chợ đen, có khi mua phải vé giả, khóc nức nở giữa sân ga vì không được lên tàu. Vì vậy tôi thấy có trường hợp này cũng hay: Một đôi vợ chồng trung niên người Quảng Ngãi vào TP làm để kiếm tiền gửi về quê nuôi con ăn học. Ông chồng làm phụ hồ, bà vợ đi bán dạo nem chả, đậu phộng ở các quán nhậu vỉa hè. Mấy năm rồi những ngày cuối năm tôi thường gặp họ ở nán lại qua ngày mùng 1 mới về. Bà vợ bảo “tụi em về mùng 1 khỏe lắm, xe trống trơn, giá vé lại rẻ rề, tụi em tiết kiệm được tiền vé xe tăng còn bán kiếm thêm mấy ngày cận tết người nhậu nhiều, đắt lắm!”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm