Quận 12 được đánh giá là quận triển khai đưa âm nhạc dân tộc vào dạy cho HS sớm nhất và thành công nhất tại TP.HCM. Đặc biệt, là năm thứ hai tổ chức, ngày hội Liên hoan âm nhạc và triển lãm mỹ thuật dân tộc cấp THCS vừa diễn ra tại Trường THCS Nguyễn Chí Thanh khiến nhiều người không khỏi bất ngờ bởi một không khí tràn ngập âm hưởng văn hóa dân tộc và thu hút đông HS trong quận tham gia.
Một tiết mục công phu do các học sinh THCS ở quận 12 dàn dựng và biểu diễn. Ảnh: PA
Tại đây, tất cả lều trại, các tiết mục âm nhạc và mỹ thuật đều do chính HS trong địa bàn quận dàn dựng và thể hiện. Đặc biệt, 16 tiết mục hát, đàn và múa được chính các em HS thể hiện một cách bài bản, đa dạng, đầu tư công phu về cả trang phục lẫn trình diễn. Trong đó có những tiết mục hát đơn ca hoặc độc tấu của HS rất mùi mẫn khiến khán giả và ban giám khảo phải “nổi da gà”. Cụ thể như tiết mục cải lương Tiếng trống Mê Linh của Trường THCS Nguyễn Huệ, hợp xướng Thằng Bờm của Trường THCS Phan Bội Châu, tiết mục múa Lung linh tháp cổ của Trường THCS Nguyễn Hiền...
Bên cạnh đó, xung quanh sân trường là 12 gian hàng triển lãm mỹ thuật và các hoạt động văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc của từng vùng miền từ Bắc đến Nam, như nhảy sạp, biểu diễn nhạc cụ dân tộc, thời trang các dân tộc, vật dụng sinh hoạt...
HS xem biểu diễn nhạc cụ dân tộc và hát dân ca tại sân trường. Ảnh: P.ANH
Tiết mục múa dân tộc do HS Trường THCS Nguyễn Hiền, quận 12 biểu diễn. Ảnh: P.ANH
Cô Phạm Tuyết Trinh, giáo viên âm nhạc Trường THCS Phan Bội Châu, người hướng dẫn tiết mục hợp xướngThằng Bờm, cho biết vì đây là tiết mục được thể hiện theo cách mới, khó nên để hoàn thiện cô trò phải mất một tháng để tập luyện. “Qua thực tế mới thấy ngày càng nhiều HS yêu thích dòng nhạc này. Có thể lâu nay các em ít được tiếp cận nên chưa hiểu lắm, hơn nữa đây là dòng nhạc rất khó cảm thụ nên không dễ để các em hiểu và thích ngay. Bản thân giáo viên cũng phải thực sự thích và biết khơi gợi” - cô Trinh chia sẻ.
Không chỉ dừng lại ở việc đưa âm nhạc dân tộc vào nhà trường, thời gian qua nhiều trường THPT tại TP.HCM cũng đã mạnh dạn kết hợp âm nhạc dân tộc để chuyển tải nội dung của các môn học khác. Như Trường THPT Phú Nhuận vừa qua có dự án Giữ hồn quê Việt: Khám phá nét đẹp âm nhạc dân tộc Việt. Dự án đã đưa âm nhạc dân tộc đến gần với HS hơn thông qua những sản phẩm sáng tạo của HS như tập san tài liệu, poster và clip phỏng vấn... hoặc các tiết mục văn nghệ do chính các em thể hiện. Từ đó, dự án dạy các em bài học từ môn giáo dục công dân lớp 10 về vai trò của thực tiễn đối với nhận thức, tức là giúp các em trân trọng hơn những giá trị truyền thống của quê hương trong thời hiện đại.
Ngày hội Tiếng quê hươngcủa Trường THPT Trưng Vương được xây dựng trên cơ sở bài học từ môn ngữ văn và lịch sử của chương trình lớp 10. Bên cạnh đó, việc tái hiện lịch sử về cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng bằng các thể loại sân khấu hóa như cải lương, kịch dân ca... vừa giúp các em ôn lại những kiến thức lịch sử hào hùng, vừa làm quen với thể loại âm nhạc dân tộc.
Theo kế hoạch của Sở GD&ĐT TP.HCM, năm học 2016-2017, TP thí điểm dạy âm nhạc dân tộc cho HS tại 48 trường. Đến năm học 2017-2018 sẽ áp dụng cho tất cả trường bậc tiểu học và THCS. Theo đó, HS tiểu học và THCS sẽ được học một tiết/tuần, bài hát và thể loại sẽ tùy theo từng độ tuổi. Riêng ở bậc THPT, chương trình sách giáo khoa mới từ năm 2018 sẽ lồng âm nhạc dân tộc vào môn âm nhạc để dạy cho HS. |