Sự ra đi của NSƯT Vũ Linh vẫn chưa nguôi ngoai thì NSND Diệp Lang qua đời ở tuổi 83 đã để lại nhiều tiếc thương cho bạn bè đồng nghiệp cũng như khán giả yêu mến sân khấu cải lương.
Nghệ sĩ Châu Thanh, Ngọc Huyền và đạo diễn Xuân Phước tại lễ tưởng niệm NSND Diệp Lang. Ảnh: HÀ NGUYỄN |
Là người học trò thân thiết của NSND Diệp Lang, nghệ sĩ Châu Thanh đã cùng NSƯT Ngọc Huyền, đạo diễn Xuân Phước… tổ chức lễ tưởng niệm người nghệ sĩ tài danh nhằm tạo dịp cho các nghệ sĩ thế hệ sau đến bày tỏ lòng tri ân với người nghệ sĩ gạo cội trong nghề.
Tất bật lo kinh lễ cũng như nghi thức buổi tưởng niệm, đến tối muộn ngày 17-3, nghệ sĩ Châu Thanh có dịp ngồi lại cùng PLO để chia sẻ về người thầy đáng kính của mình.
"Không có Diệp Lang sẽ không có Châu Thanh"
Theo nghệ sĩ Châu Thanh, ông xuất thân là một anh nông dân ở Tây Ninh và duyên nợ đến với nghiệp cầm ca là nhờ vào người cậu của mình, một thầy đàn trong đoàn cải lương Sài Gòn 2.
"Năm 1979, cậu của tôi là nhạc sĩ Đoàn Huy, đàn ở đoàn cải lương Sài Gòn 2 về quê. Khi nghe cậu về, tôi vào nhà ca cho cậu nghe và được cậu khen “Con ca tốt quá! Để cậu dẫn vào gặp thầy Diệp Lang xem thầy có nghe được thì thầy nhận vào đoàn hát.
Nghệ sĩ Châu Thanh, Ngọc Huyền thực hiện nghi thức cúng cơm cho nghệ sĩ Diệp Lang. Ảnh: H.N |
Sau đó thì tôi được cậu dẫn vào gặp thầy, ca xong thầy hỏi về gia đình và bảo tôi có thích hát không? Tôi nói thích. Vậy thì thứ hai xuống Sài Gòn" – nghệ sĩ Châu Thanh kể.
Chưa một lần đặt chân xuống Sài Gòn, vào thời điểm đó tất cả đều lạ lẫm với nghệ sĩ Châu Thanh dù vậy ông vẫn "cả gan" đi xe xuống rạp Hầu Huê theo lời dặn của NSND Diệp Lang.
"Thứ hai tôi xuống, thấy treo băng rôn nhưng không thấy nghệ sĩ. Ở đến tối, cô bán bánh mì bên cạnh cổng rạp mới nói chủ nhật rạp hát hai suất, hôm nay họ nghỉ. Tôi ngủ ở trước rạp đêm đó, chiều hôm sau thầy mới vào và bảo tôi đi theo đoàn học làm nghệ sĩ. Từ đó tôi làm trong đoàn" - nam nghệ sĩ cho hay.
Được thoả mãn đam mê với nghệ thuật trong đoàn Sài Gòn 2 thế nhưng vào thời kỳ bao cấp khó khăn, đói nghèo vây quanh đã khiến không ít lần nghệ sĩ Châu Thanh muốn bỏ cuộc quay trở về nhà.
NSƯT Châu Thanh bật khóc trong giây phút tụng kinh cầu siêu cho cố nghệ sĩ Diệp Lang. Ảnh: X.P |
"Vì tôi là con nhà nông, ăn uống nhiều nhưng những năm thời kỳ bao cấp thấy cuộc sống cứ bị đói nên tôi xin thầy về nhà.Thầy và vợ là cô Thu Phong mới dúi vào tay tôi ít tiền bảo đi kiếm gì ăn.
Thầy còn bảo cứ thuộc hết tuồng, từ từ chờ khi nào vai người ta bận thì thầy sẽ đưa tôi lên hát. Và khuyên tôi cố gắng nhiều hơn" - nam nghệ sĩ nhớ lại.
Người thầy chỉ dạy từ diễn xuất đến cuộc sống ngoài đời
Theo nghệ sĩ Châu Thanh, từ những ngày bắt đầu học nghề ông được NSND Diệp Lang giảng dạy rất nhiều từ cách hát, diễn xuất sân khấu đến cả cách sống ngoài đời.
"Đối với kỹ thuật sân khấu thì không thể tưởng tượng được. Thầy dạy tôi từng chút một. Mỗi khi tôi diễn cảnh buồn, thầy liền nói nỗi buồn em phải diễn làm sao? Khi nhớ cha nhớ mẹ em phải thể hiện nó ra sao? Rồi khi gặp kẻ thù xâm lăng quê hương đất nước thì phải diễn sắc mặt như thế nào? Thầy truyền tất cả những năng lượng tốt đẹp để dạy cho tôi khi biểu diễn”- nghệ sĩ Châu Thanh tâm sự.
Nghệ sĩ Châu Thanh nhắc lại những kỷ niệm với người thầy đáng kính. Ảnh: H.N |
Khi không còn đứng dưới ánh đèn sân khấu, NSND Diệp Lang trở thành một người trầm lắng, ít nói nhưng cố nghệ sĩ luôn để ý và chỉ dạy cho nghệ sĩ Châu Thanh cách sống kể cả những điều nhỏ nhặt nhất.
"Thầy dạy tôi cách ăn mặc. Lúc nào cũng vậy là một người nghệ sĩ, hình ảnh của sân khấu, trước mặt khán giả mình phải tươm tất thể hiện sự tôn kính khán giả.
Nhớ có lần tôi để móng tay dài, thầy la bảo không nên vì mình là con trai phải cắt móng tay thấy mạnh mẽ hơn. Tóc để dài, thầy lại khuyên cắt cho gọn gàng không người ta nói cải lương"- nam nghệ sĩ chia sẻ.
Gắn bó, học hỏi từ NSND Diệp Lang trong thời gian dài, nghệ sĩ Châu Thanh nhận định: "Thầy là một người tài giỏi hiền lành và đức độ. Thầy rất khắt khe trong mọi việc. Khi tập tuồng tôi chưa làm được thì thầy bảo làm lại đến khi nào được thì thôi".
Nghệ sĩ Châu Thanh và cố NSND Diệp Lang lúc sinh thời. Ảnh: NSCC |
Nhờ đó, mà nghệ sĩ Châu Thanh có được những giải thưởng đầu tiên trong sự nghiệp nghệ thuật. "Như giải nhất Trần Hữu Trang (1993) thì thầy đã cho tôi vai diễn trong vở Khi người điên biết yêu của tác giả Nguyễn Thành Châu. Biểu tượng xuất sắc năm 1995 cũng chính thầy là người đã cho tôi vinh dự lớn lao ấy" - nghệ sĩ Châu Thanh xúc động.
Nhìn lại hành trình hơn nửa đời người đã đi qua, nghệ sĩ Châu Thanh cho rằng, nếu cha mẹ là người sinh ra ông thì NSND Diệp Lang là người cho ông cả cuộc đời.
"Người đã thay đổi số phận của bản thân ông từ anh chàng nông dân trở thành nghệ sĩ Châu Than và ơn nghĩa với thầy hôm nay đối với tôi vô cùng to lớn không thể nào diễn tả hết"- nam nghệ sĩ nghẹn ngào.