Minh Nhí sẽ xuất hiện trong một vai diễn mới của bộ phim truyền hình "Ngũ long công chúa".
Sắp tới, Minh Nhí đột nhiên xuất hiện cực kỳ “thê thảm”, bị hành hạ bởi dở khóc dở cười với 5 cô con gái, 1 cháu ngoại và 1 mẹ già. Năm cô con gái rất “dễ sợ”, mỗi đứa một kiểu, còn ông bố Minh Nhí thì “te tua” trong những nỗi dằn vặt, lo âu, khổ sở vì từng đứa. Đó sẽ là những hình ảnh mới của danh hàitrong bộ phim sitcom Ngũ long công chúa, dự kiến sẽ lên sóng truyền hình vào tháng 10 tới.
Vai diễn ông bố độc thân và 5 cô con gái có là liều thuốc cười với chính bản thân anh khi ngoài đời thì người ta thường thấy cảnh “gà trống nuôi con” là vô cùng vất vả còn Minh Nhí là “thân gà” nuôi 5 cô con gái xem ra cuộc sống lại quá hài hước.
“Trên sân khấu, hoặc trong phim ảnh, khán giả có thể thấy những bi kịch của diễn viên nhưng ngoài đời các bạn đó lại sống rất dễ chịu, vui vẻ; hoặc khán giả thấy diễn viên xuất hiện nghèo khổ đói rách lắm nhưng thực sự ngoài đời các bạn ấy đang ở biệt thự sang trọng. Nói thế để thấy rằng phim ảnh nghệ thuật và cuộc đời là hai khía cạnh hoàn toàn khác nhau trong cuộc sống của nghệ sĩ” – Minh Nhí tự sự.
Vậy thì, trong đời diễn suốt mấy chục năm qua của danh hài, liệu có khi nào chính anh đã trải nghiệm những khoảnh khắc bắt buộc phải cười và làm cho khán giả cười nghiêng ngả khán phòng, trong khi nội tâm bên trong lại đảo lộn dữ dội nhưng bắt buộc phải che giấu đi cảm xúc thật của mình?
Ngậm ngùi nhớ lại, Minh Nhí kể: “Có đấy, cả đời tôi chỉ có một lần trải qua cảm giác đó. Chuyện trải qua cũng mười mấy năm rồi. Hồi đó tôi và nghệ sĩ hài Hữu Châu mỗi đêm diễn tới mười mấy sô. Hồi đó không có điện thoại di động như bây giờ mà dùng máy nhắn tin thôi. Đúng vào lúc đang diễn trên sân khấu thì nhận được tin ba tôi mất. Diễn hài, nên vẫn phải làm sao cho khán giả cười rần rần, mà không ai biết trong lòng mình đang mất mát lớn lao như thế nào…”
Đột ngột lâm cảnh “Kép Tư Bền” - anh kép hài nổi danh làng hát bội trong truyện ngắn của nhà vănNguyễn Công Hoan, đúng vào lúc sân khấu tưng bừng cờ hoa, cười nói, chúc tụng, thì cha của Tư Bền trở bệnh nặng và mất; nếu biết được tâm sự từ đáy lòng bão tố của người nghệ sĩ, khán giả sẽ càng trân trọng hơn lao động nghệ thuật của người đứng trên sân khấu, bởi đó chính là sự hy sinh lớn lao nhất cho nghề.
Ai cũng có những tình yêu thương gắn bó cốt nhục, ai cũng có những kỷ niệm sống mãi từ thuở ấu thơ, Minh Nhí cũng vậy, anh nhớ cha anh mỗi ngày Tết thường trang trọng chụp hình với các cô con gái còn mẹ anh lại được ngồi cạnh các cậu con trai để ghi dấu kỷ niệm. Ngày xưa anh rất giỏi văn, lớn lên ở làng hoa Sa Đéc từng muốn học văn nhưng không theo đuổi được. Cuộc đời nghệ sĩ với nhiều thăng trầm đã cho anh đi qua những khúc quanh khá kỳ lạ với thật nhiều niềm vui và cả nỗi buồn. Càng lớn lên, càng già thêm, càng thấy nhớ quê hương da diết, những ký ức về cha mẹ, về quê hương vẫn là “vùng trời bình yên” đối với anh.
Chuyên đóng vai ác
Tên thật của anh là Trương Hùng Minh - một cái tên rất đẹp. Hồi mới bước vào nghề, vì còn rất trẻ nên một người bạn nghề chọn cho anh nghệ danh Minh Nhí. Thế rồi hàng ngàn sô diễn, hàng trăm vai diễn khác nhau đã khắc ghi cái nghệ danh ngộ nghĩnh của người nghệ sĩ hài này.
Cái hài của người nghệ sĩ đã ngoài 50 đương nhiên rất khác với hồi còn trẻ. Nhưng nghệ danh Minh Nhí đã định vị trong lòng khán giả với hàng trăm vai diễn ấn tượng.
Anh bảo: “Hồi đó nghĩ thì cũng thấy kỳ, vì cũng biết sau này mình sẽ già đi, có còn “nhí” nữa đâu. Thế nhưng khán giả gọi mãi thành quen. Sau này mỗi khi đi đâu thấy người ta kêu Minh Nhí nghe thương lắm, vui nữa. Có lần, khán giả dắt con tới xin chụp hình với tôi, gặp được bác, mấy bé mừng quá kêu ầm lên: A! Minh Nhí, Minh Nhí. Bố mẹ các bé kêu con lại bảo rằng con không được kêu như thế nghe chưa, phải gọi là bác Minh, hay là chú Minh chứ. Nhưng tôi bảo: Dạ không, anh chỉ cần nhắc con thêm chữ bác vào đầu thôi, chứ đừng bỏ chữ nhí nha, em thích chữ nhí…”
“Toàn đóng vai ác nhưng thiếu nhi vẫn cứ thích mình” – anh hồn nhiên kể - “Phải tạo ra cái ác hề, tức là ác bao nhiêu thì mình phải “hưởng” hết chỗ ác đó. Và phải có những cảnh báo ngầm để các bé đừng có học theo cái ác, các bé phải thấy nhân vật thật đáng đời khi bị trừng trị bởi cái ác đó và vẫn được cười sảng khoái nhất nên các bé vẫn yêu mến diễn viên”.
Theo Hòa Bình/NLĐO