Nghị án kéo dài vụ núp bóng công ty luật để khủng bố, đòi nợ thuê

(PLO)- Lợi dụng danh nghĩa công ty luật, các đối tượng đã thực hiện dịch vụ đòi nợ thuê cho ngân hàng bằng cách khủng bố, gây áp lực để cưỡng đoạt tài sản của người vay.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 5-3, TAND quận Tân Bình (TP.HCM) xét xử sơ thẩm vụ án cưỡng đoạt tài sản đối với Hoàng Ngọc Mến (43 tuổi, Giám đốc chi nhánh Công ty luật TNHH Thế Hệ Trẻ tại TP.HCM) cùng sáu nhân viên là Trần Phát Đạt (21 tuổi); Lê Thị Thiết (26 tuổi); Phạm Ngọc Thắng (29 tuổi); Trần Hà Anh Thư (32 tuổi); Nguyễn Thị Huyền Anh (31 tuổi); Nguyễn Thị Hương Trà (29 tuổi).

HĐXX nhận định vụ án có nhiều tình tiết phức tạp, cần được đánh giá một cách kỹ lưỡng nên quyết định nghị án kéo dài và sẽ tuyên án vào lúc 9 giờ ngày 11-3 tới.

Theo cáo trạng, công ty luật Thế Hệ Trẻ có trụ sở chính ở Hà Nội, thành lập chi nhánh tại TP.HCM do Hoàng Ngọc Mến điều hành, quản lý.

đòi nợ thuê
Công an khám xét tại chi nhánh Công ty TNHH Luật Thế hệ trẻ (Phường 15, quận Tân Bình). Ảnh: CA.

Quá trình hoạt động, chi nhánh Công ty luật Thế Hệ Trẻ tại TP.HCM không có chức năng thu hồi nợ nhưng lại hoạt động đòi nợ thuê trái pháp luật có phân công vai trò, nhiệm vụ cụ thể.

Hoàng Ngọc Mến là giám đốc chi nhánh, được xác định với vai trò chủ mưu, cầm đầu. Trần Hoàng Anh Thư là trưởng phòng thu hồi nợ, quản lý, điều hành chi nhánh cùng hai trưởng nhóm thu hồi nợ là Phạm Ngọc Thắng và Nguyễn Thị Hương Trà.

Những người này đã điều hành, triển khai công việc đến 23 nhân viên thu hồi nợ của công ty.

Cụ thể, sau khi nhận dự liệu khách hàng có khoản vay ngân hàng nợ quá hạn, Trần Hoàng Anh Thư phân chia dữ liệu cho từng nhân viên trong các nhóm thu hồi nợ.

Dựa trên các thông tin được Thư gửi, các nhân viên liên tục gọi điện thoại, nhắn tin quấy rối người vay, gửi văn bản có nội dung xác định người nợ tiền của ngân hàng đã phạm tội lạm dụng tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản.

Để gây áp lực, khủng bố và uy hiếp tinh thần người vay, ép họ phải trả nợ, nhóm này còn trực tiếp gửi các thông báo đòi nợ đến nơi ở, nơi làm việc, người thân, gia đình hoặc đồng nghiệp của người nợ tiền.

Cáo trạng xác định trong vụ án này, bằng thủ đoạn trên các đối tượng đã cưỡng đoạt số tiền hơn 483 triệu đồng của năm bị hại.

Trong đó, có trường hợp đã gây ra hậu quả người vay tiền bị công ty buộc thôi việc. Có trường hợp người thân của người vay tiền liên tục bị gọi điện thoại, nhắn tin nên cảm thấy bị uy hiếp tinh thần, hoang mang lo sợ.

Hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, trực tiếp xâm phạm đến tài sản hợp pháp của người khác và gây ảnh hưởng xấu đến trật tự xã hội. Do đó, cần phải truy cứu trách nhiệm hình sự để răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung.

Không vay tiền nhưng vẫn bị khủng bố, đòi nợ

Theo cáo trạng, một trong năm bị hại là chị TKV (giáo viên tại một trường THCS ở TP.HCM) dù không vay tiền của bất kỳ cơ quan, tổ chức nào nhưng vẫn nhận được nhiều tin nhắn từ Trần Phát Đạt với nội dung đang nợ thẻ tín dụng 100 triệu đồng và đe dọa nếu không trả sẽ bị ảnh hưởng đến gia đình, công việc.

Do không vay tiền nên chị V không đồng ý trả nợ. Sau đó, Đạt soạn các đơn đề nghị xác minh công tác chị V và gửi đến hiệu trưởng trường nơi chị V công tác. Uy hiếp chị V nếu không nhanh chóng trả tiền sẽ ảnh hưởng đến danh tiếng của trường.

Dù chị V đã trực tiếp đến trụ sở công ty luật Thế Hệ Trẻ để làm việc nhưng sau đó vẫn liên tục bị Đạt gọi điện thoại đe dọa, xúc phạm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm