Nghị án kéo dài vụ tử vong sau khi nâng mũi, hút mỡ bụng

(PLO)- Các bị cáo không có chứng chỉ hành nghề, chưa được cấp giấy phép hoạt động nhưng vẫn tiến hành phẫu thuật thẩm mỹ nâng mũi, hút mỡ bụng gây chết người.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 29-8, TAND quận 1 (TP.HCM) xử sơ thẩm vụ Lê Thị Huyền Trang (SN 1996, lao động tự do) và hai đồng phạm bị truy tố về tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh theo điểm a khoản 1 Điều 315 BLHS (khung hình phạt 1-5 năm tù).

Hai đồng phạm của Trang gồm Nguyễn Ngọc Tú (SN 1994, không nghề nghiệp) và Phan Thanh Tùng (SN 1988, nhân viên văn phòng).

Ba bị cáo tại phiên xử sáng 29-8. Ảnh: H.YẾN

Ba bị cáo tại phiên xử sáng 29-8. Ảnh: H.YẾN

Nâng mũi, hút mỡ bụng “chui” gây chết người

Theo hồ sơ, tháng 11-2021, Trang thuê mặt bằng tầng bốn ngôi nhà trên đường Nguyễn Công Trứ (phường Nguyễn Thái Bình, quận 1) để làm thẩm mỹ viện, không đăng ký giấy phép hoạt động. Ngày 20-11-2021, Trang nhận chị HTN (SN 1990) làm học viên.

Do chị N có nhu cầu phẫu thuật thẩm mỹ nâng mũi và hút mỡ bụng, đôi bên thỏa thuận Trang phẫu thuật cho N với chi phí 15 triệu đồng. Trang liên hệ Tú để thực hiện việc gây mê, giảm đau cho chị N khi phẫu thuật, với giá 2 triệu đồng. Đồng thời, Trang nhờ Tùng (bạn trai của Trang) hỗ trợ phẫu thuật. Chiều 5-12-2021, cả ba tiến hành phẫu thuật cho chị N.

Tú rủ thêm anh Lâm Gia Vĩ (bạn của Tú) đến xem. Tú dùng ống nghe khám nhịp tim, phổi, hỏi thăm tình trạng sức khỏe, bệnh lý của chị N; gắn các thiết bị đo nhịp tim, huyết áp kết nối với máy, gắn dây truyền ôxy cho chị N.

Sau đó, Tú lấy các loại thuốc và tiêm cho chị N.

Sau khi tiêm thuốc được 5 phút, Tú thấy chị N đã được gây mê, nhịp tim bình thường nên thông báo cho Trang, Tùng tiến hành phẫu thuật. Trang, Tùng sử dụng dụng cụ hút mỡ bụng cho chị N trong khoảng hơn 1 giờ thì tiếp tục sử dụng dụng cụ phẫu thuật mũi. Đến khoảng 15 giờ 30 cùng ngày, phẫu thuật xong được khoảng 5 phút thì chị N tỉnh lại.

Tú kiểm tra tình trạng chị N trong khoảng 15 phút rồi về. Chị N nằm nghỉ khoảng 2 giờ thì Trang gọi em đến đưa về phòng trọ ở quận 8 để tiếp tục theo dõi. Đến khoảng 22 giờ cùng ngày, người nhà bảo chị N đau, khó thở nên cả ba đưa chị vào bệnh viện cấp cứu. Tuy nhiên, chị N đã tử vong tại bệnh viện.

Nguyên nhân tử vong

Nguyên nhân tử vong được xác định là suy hô hấp cấp do tổn thương phế nang lan tỏa/đông máu nội mạch đa tạng. Kết luận pháp y còn thể hiện việc sử dụng Fentanyl và Fresofol có thể góp phần dẫn đến cái chết của nạn nhân. Trường hợp nạn nhân được sàng lọc tiền mê đầy đủ, phát hiện sớm, áp dụng đúng quy trình cấp cứu thì có khả năng cứu sống. Tất cả hành vi của ba bị cáo đều có khả năng dẫn đến cái chết của nạn nhân.

Trung tâm Pháp y Sở Y tế TP.HCM còn giải thích thêm tổn thương phế nang lan tỏa/đông máu nội mạch đa tạng là tình trạng bệnh lý. Việc không phát hiện bệnh lý này cùng với việc gây mê không có kiểm soát làm cho nạn nhân bị suy hô hấp và tử vong.

Luật sư phía bị hại đề nghị trả hồ sơ

VKS xác định cả ba bị cáo không có chứng chỉ hành nghề, chưa đăng ký hành nghề, chưa được cấp giấy phép hoạt động đã tiến hành phẫu thuật thẩm mỹ nâng mũi và hút mỡ bụng cho chị N dẫn đến tử vong. Hành vi này là phạm vào tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh.

Đây là vụ án có đồng phạm nhưng thuộc trường hợp giản đơn. Trong đó, Trang là người tổ chức khám bệnh, chữa bệnh, phẫu thuật thẩm mỹ trái phép. Hai bị cáo còn lại là người giúp sức cho Trang trong quá trình phẫu thuật thẩm mỹ cho chị N.

Tại tòa, đại diện VKS đề nghị phạt bị cáo Trang từ hai năm đến hai năm sáu tháng tù, Tùng từ một năm đến một năm sáu tháng tù, Tú một năm sáu tháng đến hai năm tù nhưng cho hưởng án treo. Mỗi bị cáo phải chịu phạt bổ sung 10 triệu đồng.

Theo VKS, các bị cáo không có tình tiết tăng nặng. Các bị cáo có tình tiết giảm nhẹ là thành khẩn khai báo, khắc phục hậu quả. Từ đó, VKS xem xét đưa ra mức đề nghị trên.

Đại diện phía bị hại trình bày con gái mình là lao động chính trong nhà, nuôi con nhỏ, cha mẹ già trong khi cha bệnh nặng nằm một chỗ. Ngoài ra, bị hại trước đó có đóng cho Trang 50 triệu đồng tiền học nghề… Từ đó, bị hại đưa ra mức bồi thường cấp dưỡng tổng cộng là 1,7 tỉ đồng. Các bị cáo đồng ý bồi thường và được tòa ghi nhận.

Đáng chú ý, luật sư phía bị hại cho rằng các bị cáo phạm tội giết người chứ không phải tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh như cáo trạng truy tố. Luật sư cho rằng tại tòa, các bị cáo thừa nhận biết việc làm của mình có thể dẫn đến chết người. Từ đó, luật sư đề nghị tòa trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Đối với Lâm Gia Vĩ, qua điều tra không đủ cơ sở xác định Vĩ cùng các bị cáo thực hiện hành vi phạm tội nên Cơ quan CSĐT Công an quận 1 không xử lý là có cơ sở.

Nói lời sau cùng, các bị cáo mong HĐXX khoan hồng. HĐXX quyết định nghị án kéo dài và sẽ tuyên án vào ngày 5-9 tới.

Hậu quả đau lòng nhưng khó áp tội danh giết người

Đối chiếu hành vi của các bị cáo, hậu quả chết người và mối quan hệ nhân quả giữa hành vi với hậu quả, theo tôi, việc điều tra, truy tố và xét xử các bị cáo theo Điều 315 BLHS là phù hợp.

Lý do là bởi các bị cáo khai tại phiên tòa là khi thực hiện chuỗi hành vi gây mê, làm đẹp cho bị hại, các bị cáo nhận thức được hậu quả có thể gây chết người nhưng chỉ với dấu hiệu đó không đủ cơ sở quy kết các bị cáo phạm tội giết người (Điều 123 BLHS).

Để quy buộc các bị cáo tội giết người, về mặt lỗi, cần phải chứng minh được các bị cáo bỏ mặc cho hậu quả chết người xảy ra, không có hành vi can thiệp, xử lý, bảo đảm an toàn cho bị hại một cách cần thiết và hậu quả chết người hoàn toàn có nguyên nhân từ hành vi của các bị cáo...

Các bị cáo không có bằng cấp, không có giấy phép nhưng cung cấp dịch vụ làm đẹp là hành vi khách quan được mô tả theo Điều 315 BLHS.

Quá trình thực hiện, các bị cáo có thực hiện việc gây mê, phẫu thuật, kiểm tra người bị hại sau phẫu thuật. Bị hại về nhà, sau đó mới đi cấp cứu và tử vong.

Nguyên nhân tử vong được Sở Y tế giải thích cho thấy có hai yếu tố dẫn đến chết người là bệnh lý vốn có của bị hại (tổn thương phế nang lan tỏa/đông máu nội mạch đa tạng) cùng với việc gây mê không có kiểm soát làm cho nạn nhân bị suy hô hấp và tử vong.

Do vậy, có cơ sở để đánh giá các bị cáo dù nhận thức hậu quả chết người có thể xảy ra nhưng cho rằng không xảy ra hoặc có thể ngăn chặn được chứ không có ý thức và hành vi bỏ mặc cho hậu quả xảy ra. Hậu quả chết người trong vụ án này thuộc về lỗi vô ý của các bị cáo. Việc xét xử các bị cáo theo tội danh Điều 315 BLHS là có cơ sở và phù hợp.

ThS - luật sư NGUYỄN VĂN DŨ (Đoàn Luật sư TP.HCM)

MINH CHUNG ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm