Ngày 2-5, Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) cho biết vừa tiếp nhận điều trị một bệnh nhi 6 tháng tuổi nhập trong tình trạng quấy khóc, nôn, đi tiểu nhiều, có dấu hiệu mất nước nặng và giảm 0,7 kg trong vòng 1 tháng do ngộ độc vitamin D.
Gia đình bệnh nhi cho biết trước khi nhập viện 3 tháng, gia đình được người quen cho 2 lọ vitamin D3+K2 có hình thức bên ngoài giống nhau, trong đó lọ dành cho người lớn và 1 lọ dành cho trẻ em.
Tuy nhiên, do nghĩ cả 2 lọ đều dùng được cho trẻ em, gia đình đã cho trẻ uống lọ vitamin D3+K2 MK7 5000IE/ 200μg dành cho người lớn với liều lượng 3 giọt/ngày (5.000UI/giọt).
Theo các bác sĩ, như vậy là trẻ đã uống khoảng 15.000 UI/ngày (cao gấp nhiều lần liều lượng tối đa vitamin D dùng cho trẻ 6 tháng tuổi).
Tại bệnh viện, kết quả thăm khám và xét nghiệm cho thấy trẻ bị tăng canxi máu toàn phần, tăng canxi ion hóa, đặc biệt nồng độ vitamin D3 tăng rất cao lên tới 1.320ng/ml (giới hạn bình thường: 50 - 250 ng/ml).
Trẻ được chỉ định ngừng tất cả các chế phẩm canxi và vitamin D, truyền dịch và dùng thuốc lợi tiểu để bù lại lượng dịch mất do nôn, tiểu nhiều và đào thải canxi máu.
Sau 5 ngày điều trị, trẻ hết nôn, không còn trình trạng mất nước, canxi toàn phần giảm. Tuy nhiên, trẻ vẫn đi tiểu nhiều.
Trong thời gian tới, trẻ vẫn tiếp tục tạm ngừng tất cả các chế phẩm canxi và vitamin D trong vòng ít nhất 6 tháng, kết hợp truyền dịch. Đồng thời phải tái khám định kỳ để kiểm tra biến chứng sỏi thận, lắng đọng canxi ở các cơ quan khác có thể xảy ra.
Theo bác sĩ Thái Thiên Nam, Phó Trưởng khoa Thận và lọc máu, Bệnh viện Nhi Trung ương, ngộ độc vitamin D là tình trạng hiếm gặp và khó chẩn đoán vì triệu chứng không đặc hiệu.
Hàng năm, Bệnh viện Nhi Trung ương vẫn tiếp nhận một số trẻ ngộ độc vitamin D do cha mẹ bổ sung vitamin D liều quá cao cho trẻ trong thời gian dài.
Đáng lưu ý, những triệu chứng ngộ độc vitamin D thường không xảy ra ngay mà cần khoảng thời gian vài tháng, thậm chí vài năm sau mới phát tác.
Khi bị ngộ độc vitamin D, trong máu của trẻ sẽ bị lắng đọng nhiều canxi, dẫn đến tình trạng chán ăn, giảm cân, táo bón, tiêu chảy, buồn nôn, nôn, vôi hóa ống thận, suy thận… Nếu không sớm được phát hiện, trẻ sẽ phải đối mặt với những biến chứng nặng nề, thậm chí nguy hiểm tính mạng.
Cần tuân thủ những biện pháp sau khi bổ sung vitamin D cho trẻ
- Không tự ý mua các thực phẩm chức năng, các loại vitamin thuốc cho trẻ khi chưa có chỉ định hoặc tư vấn của bác sĩ. Khi dùng thuốc cho trẻ phải được bác sĩ kê đơn, không lấy thuốc của người lớn hoặc thuốc của trẻ khác cho trẻ dùng.
- Các loại thuốc, vitamin cần để xa tầm tay của trẻ.
- Các loại thuốc, vitamin cần được bảo quản ở nơi khô ráo, đựng trong hộp, lọ kín, có nhãn mác, hướng dẫn sử dụng đi kèm và hạn sử dụng.
Thường xuyên vệ sinh sạch sẽ tủ thuốc của gia đình, không sử dụng thuốc bị hỏng hay thuốc đã quá hạn.
- Khi uống thuốc không nên để trẻ nhìn thấy vì trẻ sẽ bắt chước làm theo
- Cha mẹ, người chăm sóc trẻ cần phải nắm rõ công dụng, liều lượng, đối tượng sử dụng của từng loại thuốc, vitamin và dùng đúng theo chỉ định, hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.