Ngồi dùng điện thoại, máy tính sai tư thế, nhiều người trẻ mắc bệnh xương khớp

(PLO)- Nhiều người trẻ mắc các triệu chứng lệch vẹo cột sống, gù nặng, đau cổ vai gáy do ngồi sai tư thế trong thời gian dài.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tại Bệnh viện (BV) Chỉnh hình và Phục hồi chức năng (BV 1A), những năm gần đây, lượng người trẻ đến khám cơ xương khớp tăng vọt.

Đau lưng do ngồi quá lâu, sai tư thế

Bệnh nhân Lê Doãn Đăng Khôi (20 tuổi) đang điều trị xương khớp tại BV 1A, cho biết gần ba tháng nay, sau khi ngồi học và làm việc đều có cảm giác rất mỏi, đau ở lưng và vùng vai gáy. Dù có thay đổi tư thế hay luyện tập các bài thể dục tại nhà cũng không bớt đau.

Sau khi khám, BS nhận định Khôi mắc tình trạng co kéo bất thường của các cơ, dẫn đến trục cơ thể bị lệch. Anh được BS hướng dẫn các bài tập vào những phần cơ bất thường để việc co kéo hai cơ trở lại bình thường, từ đó giúp các trục đúng chuẩn và không còn đau.

Lê Doãn Đăng Khôi được BS Trịnh Quang Anh điều trị đau xương khớp. Ảnh: TÚ NGÂN

Lê Doãn Đăng Khôi được BS Trịnh Quang Anh điều trị đau xương khớp. Ảnh: TÚ NGÂN

“BS dặn tôi nên thay đổi dáng ngồi như tư thế vai nghiêng ra sau, không cúi cổ quá nhiều, không gập người, lưng phải thẳng để tạo đường cong cho lưng không bị gù” - anh chia sẻ.

Là một nhân viên văn phòng phải ngồi làm việc liên tục nhiều giờ liền, suốt ba năm qua chị Nguyễn Thị Thúy (25 tuổi) ám ảnh với việc hằng ngày đều rơi vào trạng thái đau nhức, mệt mỏi.

“Sau khi đi khám, BS chẩn đoán tôi bị đau lưng, thoát vị đĩa đệm L4 L5 (bệnh lý xương khớp mãn tính). Tôi được hướng dẫn thay đổi tư thế ngồi, đứng lên đi lại thường xuyên” - chị Thúy tâm sự.

Hiện chị Thúy đang điều trị tại BV 1A với các bài tập phục hồi chức năng như kéo giãn, nắn cột sống, các bài tập với từ trường siêu dẫn để giảm đau, kích thích các cơ hoạt động đúng nguyên lý.

Biến chứng nặng khi không điều trị sớm

ThS.BS Trịnh Quang Anh, Trưởng Chuyên khu hiệu chỉnh cơ xương khớp & y học thể thao (BV 1A), cho biết bệnh cơ xương khớp ở người trẻ là căn bệnh thời đại. Từ khi khoa hiệu chỉnh cơ xương khớp của BV 1A mở ra, người trẻ bị cơ xương khớp đến khám ngày càng đông, đặc biệt là dân văn phòng.

ThS.BS Trịnh Quang Anh, Trưởng Chuyên khu hiệu chỉnh cơ xương khớp & y học thể thao (BV 1A). Ảnh: TÚ NGÂN

ThS.BS Trịnh Quang Anh, Trưởng Chuyên khu hiệu chỉnh cơ xương khớp & y học thể thao (BV 1A). Ảnh: TÚ NGÂN

Theo BS, có hai nguyên nhân chính dẫn đến đau cơ xương khớp. Một là do các tổn thương xảy ra có ảnh hưởng đến sự toàn vẹn của xương khớp như gãy xương, bong gân… Hai là cơ năng, sự mất cân bằng các cơ do tư thế ngồi sai, ngồi một tư thế quá lâu, trọng lượng dồn vào một điểm gây đau.

BS Quang Anh cũng cho hay, hiện nay hầu hết người trẻ ngồi sử dụng điện thoại, máy tính sai tư thế, đầu đưa ra khỏi trục cơ thể, lâu ngày bắt buộc cơ thể phải điều chỉnh. Khi đó, cơ đằng trước sẽ co và cơ sau sẽ giãn. Khi trở về tư thế sinh hoạt khác sẽ không đáp ứng được, bị sự điều chỉnh đó chi phối dẫn đến gù lưng, ngực hõm vào, bờ vai cong xẹp xuống. Đây là những triệu chứng đau cổ vai gáy.

“Bệnh này chẩn đoán không khó nhưng điều trị lại khó. Hiện nay kiến thức lệch vẹo cơ xương khớp chưa được đưa vào chương trình đào tạo y BS tại Việt Nam. Vì thế khi người bệnh đi khám sẽ được chẩn đoán và điều trị theo một hướng khác, hay gặp nhất là thoái hóa cột sống cổ. Việc chẩn đoán không đúng dẫn đến việc điều trị không dứt điểm” - BS cho biết.

Bệnh nhân được tập các bài điều trị cơ xương khớp tại BV 1A. Ảnh: TÚ NGÂN

Bệnh nhân được tập các bài điều trị cơ xương khớp tại BV 1A. Ảnh: TÚ NGÂN

Cũng theo BS Anh, đa phần người trẻ ngày nay chỉ bị lệch vẹo cơ xương khớp gây đau, chưa đến mức độ thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm. Họ có các triệu chứng lệch vẹo cột sống, gù nặng, đau cổ vai gáy do ngồi một tư thế quá lâu, sai tư thế trong thời gian dài.

“Khi người trẻ có các triệu chứng đau xương khớp nhưng không được điều trị sớm, hệ quả và biến chứng sẽ nghiêm trọng. Ví dụ mất cân bằng cơ thân trên, vai xoay về trước dẫn đến chèn ép mỏm cùng vai, khi giơ tay lên chải tóc sẽ rất đau, lâu ngày thậm chí sẽ bị đứt gân cơ trên gai. Mất cân bằng cơ xương khớp sẽ kéo các khớp xương lệch vẹo đi, lâu ngày dẫn tới thoái hóa cột sống” - BS nhận định.

"Để phòng ngừa chứng mất cân bằng cơ xương khớp, khi ngồi sử dụng điện thoại nên duy trì một tư thế thẳng lưng, không cúi đầu quá lâu. Khi làm việc với máy tính, bàn phím nên được để trên bàn, ngồi dựa tay lên bàn để tư thế thẳng, đầu cổ thẳng theo trục cơ thể. Nếu ngồi làm việc văn phòng, cứ 120 phút nên dành ra 10 phút vận động, không nên ngồi một tư thế quá lâu" - ThS.BS Trịnh Quang Anh khuyến cáo.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm