Nhiều giải pháp ứng dụng công nghệ thông minh trong lĩnh vực y tế đã được báo cáo tại Hội nghị quản lý chất lượng “Ứng dụng các giải pháp thông minh trên nền tảng số vào công tác quản lý BV” do BV Hoàn Mỹ Sài Gòn tổ chức vào ngày 18-5.
Hội thảo thu hút hơn 290 đại biểu tham dự, với hơn 12 bài báo cáo từ các cơ sở y tế, chuyên gia nước ngoài, nhằm giúp các nhân viên y tế, các BV trao đổi kinh nghiệm, tìm ra các giải pháp để từ đó đưa ứng dụng Y tế thông minh vào phục vụ quản lý BV, phục vụ người bệnh một cách hiệu quả.
Có thể kể đến các ứng dụng đang được áp dụng hiệu quả tại các BV như ứng dụng AI trong việc đọc, tập hợp và phân tích dữ liệu đưa ra những đề xuất chẩn đoán và chỉ định; tăng cường giao tiếp nhân viên y tế với bệnh nhân; đặt lịch hẹn khám online; thẻ khám bệnh tự động; trả kết quả online; báo cáo sự cố y khoa…
Theo đại diện Hội khoa học kinh tế Y tế Việt Nam, việc ứng dụng phần mềm trong báo cáo sự cố y khoa (Dr5- STAR) đã được Bộ y tế đẩy mạnh thông qua việc ban hành nhiều thông tư về nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và báo cáo sự cố y khoa.
“Sự cố y khoa là các tình huống không mong muốn xảy ra trong quá trình chẩn đoán, chăm sóc và điều trị do các yếu tố khách quan, chủ quan mà không phải do diễn biến bệnh lý hoặc cơ địa người bệnh tác động đến sức khỏe, tính mạng của người bệnh. Sự cố y khoa luôn tiềm ẩn trong các hoạt động khám chữa bệnh.
Chính vì vậy, việc thẳng thắn nhìn nhận sự cố và rút kinh nghiệm trong các sự cố là điều hết sức quan trọng và cần thiết. Năm 2018, Hội Khoa học Kinh tế Y tế Việt Nam đã phối hợp với BV Nhân dân 115 TP.HCM, BV Đa khoa thành phố Vinh, BV Đa Khoa Bà Rịa - Vũng Tàu xây dựng, thử nghiệm và hoàn thiện sử dụng phần mềm báo cáo sự cố y khoa. Qua đó cho thấy, số lượt báo cáo sự cố y khoa tính đến hiện tại đã tăng gấp vài trăm lần so với trước. Phiên bản ứng dụng trên điện thoại thông minh giúp việc báo cáo, cập nhật tiến độ khắc phục thuận tiện”, vị này cho biết.
Một sự cố y khoa được báo cáo trên phần mềm. Ảnh: HL
Hiện ứng dụng phần mềm báo cáo sự cố y khoa tại tất cả các khoa phòng của BV, ThS Nguyễn Trúc Cường, BV Hoàn Mỹ Sài Gòn cho biết số lượng sự cố được báo cáo tăng gấp 3 lần so với trước, góp phần tiết kiệm thời gian, giảm thiểu những sự cố y khoa xảy ra trong BV cũng như góp phần gia tăng chất lượng phục vụ người bệnh.
Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong việc mở thẻ khám bệnh của BV đã giúp giảm thời gian chờ đợi đăng ký, đóng lệ phí của người bệnh (giảm 20-25 phút); người bệnh không phải đi lại đóng phí nhiều lần; và không phải giữ nhiều tiền; giảm áp lực cho nhân viên y tế…
Quy trình mở thẻ khám bệnh tích hợp tại BV Hoàn Mỹ Sài Gòn. Ảnh: HL
Chia sẻ về việc triển khai thực hiện hồ sơ bệnh án điện tử tại BV, ThS Huỳnh Thị Mỹ Thư, trưởng phòng Quản lý chất lượng, BV quận Thủ Đức cho biết mỗi bệnh nhân khi đến khám chữa bệnh hoặc khám sức khỏe đều có một mã bệnh nhân được mã hóa bằng số chứng minh nhân dân, được lưu trữ và sử dụng khi bệnh nhân đến khám bệnh tại BV.
Tất cả mọi thông tin người bệnh, diễn biến bệnh, y lệnh, thực hiện y lệnh, vật tư y tế, dược, cận lâm sàng… đều được nhập và lưu trữ vào phần mềm. Mỗi bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên đều có một username, password để đăng nhập có khai báo chữ ký điện tử, chữ ký số. Tất cả theo biểu mẫu của Bộ y tế và có sự liên thông liên kết.
“Việc ứng dụng bệnh án điện tử giúp rút ngắn thời gian chờ đợi của bệnh nhân, không cần mang theo kết quả cũ khi tới khám. Nhân viên y tế có thêm nhiều thời gian điều trị và chăm sóc người bệnh, ngoài ra còn giúp BV làm việc trở nên khoa học và chuyên nghiệp hơn”, ThS Thư chia sẻ.