Ngày 8-4, Hội nghị Khoa học Kỹ thuật Dược lần thứ 38 do Khoa dược Đại học Y dược TP.HCM tổ chức đã thu được nhiều ý kiến đóng góp phát triển ngành dược của nhiều chuyên gia giàu kinh nghiệm.
Nhiều vấn đề nghiên cứu nóng về chủ đề đánh giá công nghệ y tế, ngành Dược 4.0 và những bước tiến trong lĩnh vực Khoa học Dược và Chăm sóc Dược đã được các chuyên gia mổ xẻ sôi nổi.
Trình bày những thách thức và cơ hội trong ứng dụng chuyển đổi số ngành dược, ThS-DS Trương Văn Đạt, Khoa Dược, Trường ĐH Y dược TP.HCM cho biết khi dịch COVID-19 xảy ra, không chỉ có những F0 mới cần hỗ trợ y tế, thuốc men mà người mắc các bệnh khác như tiểu đường, huyết áp, các bệnh mãn tính không lây hay chỉ các bệnh thông thường như đau dạ dày, tiêu chảy… cũng cần được đảm bảo phác đồ điều trị bệnh.
“Người bệnh thời điểm này gặp nhiều khó khăn trong việc đến các nhà thuốc để mua thuốc và gặp dược sĩ cộng đồng để được hướng dẫn, tư vấn.
Người bệnh mãn tính không thể không uống thuốc mỗi ngày, nguy cơ dùng nhầm thuốc, dùng thuốc không đúng cách cũng như xử trí tác dụng phụ có hại của thuốc, dễ gặp rủi ro lây nhiễm chéo trong quá trình tiếp xúc tại nhà thuốc và khi di chuyển.
Bên cạnh đó, nhu cầu cần được tư vấn hướng dẫn sử dụng các thuốc trong túi thuốc F0 dành cho người mắc bệnh COVID-19 là rất lớn nhưng chưa đủ nhân lực để thực hiện việc này.
Do đó, việc ứng dụng các giải pháp chuyển đổi số như có hệ thống tư vấn từ xa, giao thuốc tận nơi... là rất quan trọng” – ThS Đạt trình bày.
ThS-DS Trương Văn Đạt trình bày tại hội nghị. Ảnh: HL
Ngoài ra, theo ThS Đạt, nhờ chuyển đổi số mà các công ty dược phẩm đã thực hiện các nghiên cứu, quản lý hệ thống sản xuất, phân phối vaccine ngừa COVID-19 và các loại thuốc đặc trị COVID-19 nhanh chóng.
Cùng với đó, việc chuyển đổi số rất quan trọng, giúp dược sĩ có thể làm việc từ xa, thông qua mạng máy tính, robot... Ngay cả việc thử nghiệm lâm sàng cũng có thể thực hiện từ xa từ đó đẩy mạnh việc phát minh, sản xuất thuốc, vaccine đảm bảo nguồn cung ứng kịp thời.
Báo cáo định hướng phát triển ngành công nghiệp dược trên địa bàn TP đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045, TS-DS Trần Văn Mười, Phòng nghiệp vụ dược Sở Y tế TP.HCM cho biết: “TP có nhiều tiềm năng trong phát triển công nghiệp dược như nguồn nhân lực dược chất lượng cao, có các cơ sở nghiên cứu, viện, trường, các nhà máy sản xuất dược phẩm quy mô lớn và mạng lưới cơ sở kinh doanh phân phối thuốc rộng khắp.
Định hướng phát triển ngành công nghiệp dược TP đến năm 2030 tầm nhìn năm 2045 là chú trọng tăng cường quản lý Nhà nước, đề ra các giải pháp về đầu tư, tài chính, khoa học công nghệ nguồn nhân lực, hợp tác quốc tế nhằm đạt được sự phát triển toàn diện, hiệu quả.”
Hội nghị quy tụ nhiều báo cáo viên giàu kinh nghiệm. Ảnh: HL
GS-TS Trần Thành Đạo, Trưởng Khoa Dược, Trường Đại học Y dược TP.HCM, Trưởng Ban tổ chức cho biết, hội nghị là hoạt động thường niên của Khoa Dược, quy tụ các báo cáo viên dày dặn kinh nghiệm.
Đây cũng là cơ hội để các nhà nghiên cứu công bố những công trình nghiên cứu khoa học giá trị, góp phần giúp ích cho công tác đào tạo và phục vụ xã hội.
Hội nghị Khoa học Kỹ thuật Dược lần thứ 38 tập trung vào các điểm mạnh như tăng cường nghiên cứu liên ngành phục vụ cho công tác chăm lo sức khỏe người dân, đặc biệt phòng chống dịch bệnh; đẩy mạnh nghiên cứu đánh giá công nghệ y tế đóng góp chứng cứ khoa học chi phí hiệu quả và tác động ngân sách của phương pháp điều trì giúp cơ quan chức năng xây dựng chính sách phù hợp cho cơ quan bảo hiểm và người bệnh; phát huy thế thế mạnh dược liệu phong phú và đa dạng của nước ta phát triển thành sản phẩm thuốc dùng điều trị...
Tiến độ điều chỉnh, nâng cấp vaccine ngừa COVID-19 đang tới đâu?
(PLO)- COVID-19 vẫn diễn biến khó lường, chuyện điều chỉnh, nâng cấp để có phiên bản vaccine hiệu quả, toàn diện hơn đang rất được quan tâm. Cụ thể tiến trình thế nào?