Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Ngãi có văn bản thông báo truyền đạt ý kiến của chủ tịch tỉnh về việc từ chối tiếp công dân đối với ông Phan Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở KH&CN, vì những nội dung liên quan đến công việc của Sở KH&CN.
Ông Phan Văn Hiếu là người đã nhiều lần tố cáo, phản ánh những vấn đề tiêu cực, làm trái quy định tại các cơ quan ông công tác.
Không có chuyện “đi đến đâu cũng tố cáo”
. Phóng viên: Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi từ chối tiếp ông với tư cách là một công dân và cho rằng trong các nội dung ông đăng ký có trách nhiệm quản lý nhà nước của ông tại Sở KH&CN, quan điểm của ông về việc này thế nào?
+ Ông Phan Văn Hiếu: Tôi đã nhận được thông báo của Văn phòng UBND tỉnh Quảng Ngãi truyền đạt ý kiến của chủ tịch UBND tỉnh về việc từ chối tiếp công dân đối với tôi. Quan điểm cá nhân, tôi nghĩ rằng tôi đủ điều kiện đăng ký gặp chủ tịch UBND tỉnh tại buổi tiếp công dân định kỳ.
Thông báo trả lời cho rằng tôi là phó giám đốc Sở KH&CN nên không đồng ý tiếp. Theo nhìn nhận của tôi, dù tôi là ai, là gì chăng nữa thì trước hết tôi vẫn thực hiện quyền công dân của mình và trong đơn gửi đăng ký gặp chủ tịch tỉnh, tôi đã nêu rõ người đăng ký là công dân.
Với vai trò là phó giám đốc Sở KH&CN, tôi đã có báo cáo tóm tắt các nội dung đăng ký gặp chủ tịch UBND tỉnh vào đầu tháng 4-2023 và đồng thời gửi bí thư Tỉnh ủy, ngày 19-6-2023 tôi được Thường trực Tỉnh ủy cho gặp và báo cáo tại buổi làm việc.
. Có người nói rằng “ông Hiếu đến công tác ở đâu cũng tố cáo, khiếu nại, làm ảnh hưởng đến đơn vị”, ông thấy sao về điều này?
+ Quan điểm của tôi rất rõ, trong các cuộc họp tôi phát biểu thẳng thắn, đụng chạm nhiều người trong đơn vị nên họ cho rằng xảy ra những lộn xộn là do tôi. Tôi nghĩ họ chưa hiểu, tôi không có ý kiến gì mà nên tham khảo thông tin đa chiều.
Đến nay, tôi đã công tác tại năm cơ quan khác nhau và tôi chỉ tố cáo, khiếu nại, có ý kiến đấu tranh ở nơi tôi thấy có vấn đề.
Công tác tại Trường Chính trị tỉnh Quảng Ngãi, tôi kinh qua nhiều vị trí, trong thời gian ở đây tôi không hề phản ánh, kiến nghị hay tố cáo ai. Khi đó, nếu có vấn đề gì chưa đúng chúng tôi họp và chấn chỉnh ngay, không hề có chuyện tố cáo, khiếu nại.
Tiếp đến, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ủng hộ, đưa tôi về bầu giữ chức phó chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh. Ở đó, tôi và các anh em làm việc rất tốt, không có vấn đề gì xảy ra. Chính việc tôi làm việc tốt tại Liên minh Hợp tác xã tỉnh, Ban Thường vụ luân chuyển tôi về làm phó bí thư Huyện ủy Nghĩa Hành.
Qua hai cơ quan, tôi không tố cáo ai về bất cứ vấn đề gì.
“Tố cáo cơ bản đúng”
. Thưa ông, vậy những nơi công tác còn lại ông đều tố cáo, khiếu nại?
+ Khi tôi về nhận nhiệm vụ phó bí thư Huyện ủy Nghĩa Hành, tôi xuống cơ sở, phát hiện nhiều tồn tại, hạn chế. Do đó, trong các cuộc họp Ban Thường vụ, Thường trực Huyện ủy tôi báo cáo rất rõ.
Tuy nhiên, những việc tôi báo cáo về tồn tại, hạn chế, tiêu cực ở huyện Nghĩa Hành không được Ban Thường vụ Huyện ủy xem xét thấu đáo.
Do đó, khoảng cuối năm 2017, tôi có báo cáo gửi trực tiếp bí thư Tỉnh ủy lúc bấy giờ, nêu những tồn tại, hạn chế và đề xuất. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là những vấn đề tôi báo cáo không được làm rõ.
. Vì sao năm 2019, khi giữ chức phó bí thư huyện Nghĩa Hành, Ban Chấp hành lấy phiếu tín nhiệm, ông nhận nhiều phiếu tín nhiệm thấp, sau đó thì chuyển công tác và tiếp tục khiếu nại?
+ Từ những việc tôi làm ở cơ sở, đến ngày lấy phiếu tín nhiệm, tôi nhận tín nhiệm thấp. Sau đó, tôi được điều về giới thiệu bầu chức phó chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, lúc này tôi mất ngạch công chức. Đây là mất mát lớn, nhất là danh dự, uy tín nên tôi tiếp tục tố cáo.
Sau đó, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đã kiểm tra dấu hiệu vi phạm và đã có hình thức kỷ luật với nguyên lãnh đạo huyện Nghĩa Hành và những người liên quan.
Thấy đúng phải bảo vệ, sai phải đấu tranh
. Sau các lần tố cáo, phản ánh tiêu cực, ông thấy mình được và mất những gì?
+ Việc tố cáo, phản ánh tiêu cực đã ảnh hưởng đến bản thân cũng như gia đình rất nhiều: Bạn bè ngày một ít. Họ muốn gặp tôi cũng tìm chỗ kín đáo. Đến cơ quan, anh em cấp dưới có việc thật cần thiết mới bước đến phòng mình.
Đứng ở góc độ công dân, tôi mong muốn cần có cơ chế mạnh mẽ hơn trong việc bảo vệ những người dám đấu tranh với tiêu cực, tham nhũng, không những trong Đảng mà cho công dân, công chức, viên chức, những người dám đấu tranh vì cái chung.
Nếu những người dám nói ra nhận thức của mình về những cái sai, vi phạm pháp luật mà không được bảo vệ thì không ai dám.
. Vì sao ông hay lựa chọn tố cáo, khiếu nại thay vì cứ âm thầm làm tốt phần việc của mình?
+ Quan điểm xuyên suốt của tôi là thượng tôn pháp luật, còn là đảng viên thì thực hiện đúng điều lệ, đúng quy định của Đảng. Tôi được kết nạp Đảng khi còn đi học, sau này về làm thầy giáo ở Trường Chính trị, tôi nhận thức đã là đảng viên trước tiên phải đặt lợi ích của tập thể lên trên. Tôi nghĩ rằng mình phải làm cái gì đó cho tổ chức, đất nước và cho quê hương, thấy đúng phải bảo vệ, thấy sai phải cương quyết đấu tranh.
. Đến hiện tại, ông có hối hận với một hoặc những lần tố cáo, phản ánh tiêu cực của mình?
+ Tôi chưa bao giờ hối hận với các quyết định của mình.
Tôi cho rằng đây là việc mà người đảng viên phải làm. Tôi sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng, tôi thấm nhuần lời Bác Hồ dạy, vào Đảng là để cống hiến, không phải để làm quan phát tài.
Bản thân tôi thấy trách nhiệm là đảng viên, công dân thì mình phải có trách nhiệm với xã hội, cộng đồng. Tôi nghĩ việc mình làm rất bình thường, đừng cho tôi là người không bình thường.
. Xin cảm ơn ông.
Ông Phan Văn Hiếu (50 tuổi), Tiến sĩ kinh tế, từng là trưởng Khoa Lý luận Mác - Lênin - tư tưởng Hồ Chí Minh, Trường Chính trị tỉnh Quảng Ngãi.
Ông từng giữ vị trí lãnh đạo tại Liên minh Hợp tác xã tỉnh Quảng Ngãi, phó bí thư Huyện ủy Nghĩa Hành, phó chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Quảng Ngãi.
Tháng 1-2021, ông Hiếu giữ chức phó giám đốc Sở KH&CN.