TAND TP Cần Thơ xử sơ thẩm vụ kiện giành quyền nuôi con giữa nguyên đơn là ông C. (66 tuổi, quốc tịch Pháp, tạm trú TP.HCM) và bị đơn là chị T. (27 tuổi, ngụ TP Cần Thơ).
Kiện vì không được thăm con
Theo đơn khởi kiện, ông C. và chị T. sống với nhau và có một con gái chung sinh năm 2010. Năm 2014, hai người ly hôn và được tòa công nhận thỏa thuận về việc ông C. giao con gái chung cho chị T. chăm sóc. Theo thỏa thuận này, ông C. có trách nhiệm cấp dưỡng mỗi tháng hai triệu đồng đến khi con 18 tuổi, đồng thời ông C. được quyền thăm nom, chăm sóc con.
Tuy nhiên, sau đó chị T. không cho ông C. thăm con chung như thỏa thuận. Từ đó ông C. khởi kiện yêu cầu tòa tuyên thay đổi quyền nuôi con. Theo ông C., chị T. không có việc làm và thực tế giao con cho bà ngoại trông nom là trái với thỏa thuận giữa hai người. Ông C. yêu cầu được trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng con và không yêu cầu chị T. cấp dưỡng.
Tại phiên tòa, chị T. không chấp nhận yêu cầu của ông C. vì cho rằng năm năm qua ông không chăm con ngày nào. Cháu bé đã học lớp 3 và có cuộc sống ổn định. Tuy nhiên, chị T. không cung cấp địa chỉ chỗ ở và nơi con học với lý do sợ bị ông C. bắt mất con. Chị T. nói ông C. muốn thăm con thì cứ thông báo địa điểm, chị sẽ đưa con tới.
Nghe vậy, ông C. phân trần từ năm 2014 đến nay, ông không được gặp con lần nào, chỉ thi thoảng được nghe tiếng con qua điện thoại. Tiền cấp dưỡng ông có gửi được sáu tháng, sau đó không gửi nữa vì không được gặp con. Tuy vậy, ông vẫn thường xuyên gửi quần áo, thực phẩm về cho con.
Chị T. cho rằng vì ông C. không cấp dưỡng nên không cho gặp con. Chị T. cũng thừa nhận việc mỗi tháng có nhận hai, ba lần quà là quần áo, thực phẩm ông C. gửi cho con. Tuy nhiên, hai người không có tiếng nói chung về việc thăm gặp con.
Người cha quốc tịch Pháp được ôm con gái nhỏ tại phiên tòa. Ảnh: NN
Hóa giải mâu thuẫn
Tòa giải thích với chị T. rằng chị đã vi phạm nghĩa vụ khi không cho ông C. được thăm gặp con. Đó không chỉ là nghĩa vụ mà còn là trách nhiệm của người mẹ đối với con mình vì con cần tình yêu thương và chăm sóc của cả cha mẹ. nếu chị T. cho rằng ông C. muốn bắt con thì có quyền báo chính quyền can thiệp.
mặt khác, ông C. không cấp dưỡng cho con năm năm qua vì không được gặp con là không đúng. Nếu bị ngăn cản thăm gặp con thì ông C. có quyền báo với địa phương.
Ông C. trình bày có báo với địa phương nhưng chị T. đã chuyển đi nơi khác nên ông không biết làm sao. Nếu được gặp con, ông sẽ trả mọi chi phí và đưa tiền cấp dưỡng tiếp.
Luật sư của ông C. cho rằng nếu chị T. cho biết địa chỉ thật để ông C. được lui tới thăm con thì ông C. sẽ rút đơn kiện vì ông C. chỉ muốn con phát triển bình thường, được thăm con và bày tỏ tình cảm với con.
Đặc biệt, luật sư của chị T. đã xin tòa cho thời gian trao đổi riêng với thân chủ để hóa giải mâu thuẫn giữa hai bên. Tranh thủ thời gian này, ông C. lân la trò chuyện với con gái. Ông cúi xuống dùng gang tay đo kích thước chiếc giày mà con gái đang mang rồi nói: “Lần sau papa gửi thì phải dài cỡ này ha”. Cô bé gật đầu.
Ông C. xin được ôm con vào lòng. Cô bé không ngần ngại sà vào lòng cha nhưng khi ông xin chụp ảnh thì bé không chịu. Khi người mẹ trở vào phòng xử là bé tránh ra và lén nhìn xem mẹ phản ứng ra sao.
Bất ngờ hơn vì sau khi trao đổi với luật sư, chị T. đã chịu cung cấp địa chỉ nơi ở cụ thể của mình và con để ông C. tới thăm. Chính vì lý do này mà ông C. xin rút đơn kiện tại tòa và tòa đã ra quyết định đình chỉ vụ án.
Cái ôm làm thay đổi vụ án Khi phiên tòa kết thúc, ông C. lại tha thiết xin chị T. cho được ôm con gái thêm lần nữa. Cô bé nhỏ xinh nhanh nhẹn tới ôm ông và cả người vợ đầu của ông C. (cũng đến tham dự phiên tòa) không chút ngần ngại. Sau khi lưu luyến chia tay cha, cô bé cùng mẹ ra về. Ông C. bảo chỉ cần được ôm con vào lòng là ông mãn nguyện rồi. Cũng vì muốn được ở bên con nên ông đã chọn ở Việt Nam làm nơi sinh sống và làm việc nhiều hơn ở Pháp. Ông C. bảo chỉ mong được thể hiện tình cảm với con, có thời gian dạy tiếng Pháp cho con, cùng con đi ăn, đi chơi và mua sắm... |