Người dân không còn hoang mang sau trận động đất mạnh

(PLO)- Trận động đất có cường độ lớn nhất từ trước đến nay tại tỉnh Kon Tum với 4,7 độ richter, nhiều người dân cảm nhận được sự rung lắc mạnh.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 23-8, ông Lê Đức Tín, Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum, cho biết sau khi xảy ra động đất trên địa bàn, huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng, địa phương nắm tình hình trong nhân dân và có giải pháp tuyên truyền, hướng dẫn một số giải pháp ứng phó sự cố.

UBND tỉnh cũng yêu cầu các xã báo cáo về thiệt hại, hướng dẫn thêm cho người dân tránh hoang mang, lo lắng; các thủy điện không tích nước ở mức tối đa, chỉ tích nước ở mức thấp.

Thủy điện Thượng Kun Tum, khu vực tâm chấn động đất. Ảnh: LK

Thủy điện Thượng Kun Tum, khu vực tâm chấn động đất. Ảnh: LK

“Lúc xảy ra động đất, tôi cũng cảm nhận được sự rung lắc, một số vật dụng lay chuyển nhưng thời gian động đất không dài. So với lần động đất lớn nhất ngày 18-4 thì lần này người dân đã quen, không còn lo sợ như trước. Tâm chấn động đất là khu vực thủy điện Thượng Kon Tum” - ông Tín nói.

Theo ông Trần Văn Nết, Chủ tịch UBND xã Đắk Tăng (nơi gần tâm chấn động đất), ông cảm nhận được trận động đất. Trận động đất này có độ rung lớn nhất từ trước đến nay, khiến móng nhà rung lên.

Ông Nông Thủy, ngụ xã Măng Bút, cách tâm chấn chừng 15 km, cho biết cảm nhận rõ lúc trận động đất xảy ra, nhà cửa có dấu hiệu rung lắc.

Tại nhiều khu vực ở tỉnh Gia Lai, người dân cũng cảm nhận được sự rung lắc do ảnh hưởng bởi động đất ở Kon Tum. Quá trình rung lắc diễn ra rất nhanh, không gây ảnh hưởng gì.

Chiều 23-8, theo thống kê của Viện Vật lý địa cầu, trên địa bàn huyện Kon Plông xảy ra ba trận động đất, diễn ra từ 14 giờ 8 phút đến 15 giờ 2 phút, có độ lớn lần lượt là 4.7, 3.6 và 3.7 richter; độ sâu chấn tiêu lần lượt là 8,2 km, 8,1 km và 8,1 km; cấp độ rủi ro thiên tai của trận động đất có độ lớn 4.7 richter là 1.

Trong đó trận động đất 4.7 độ richter được xem là lớn nhất từ trước tới nay.

Theo thống kê của tỉnh Kon Tum, từ năm 1903-2020 trên địa bàn tỉnh ghi nhận 33 trận động đất có độ lớn từ 2.5 độ richter trở lên tại huyện Kon Plông và lân cận. Trong đó, có hai trận động đất xảy ra vào năm 1973 với độ lớn 3.9 độ richter và năm 2015 với độ lớn 3.0 độ richter.

Khu vực dân cư gần tâm chấn xã Đắk Tăng. Ảnh: LK

Khu vực dân cư gần tâm chấn xã Đắk Tăng. Ảnh: LK

Từ tháng 4 -2021 đến nay, trên địa bàn huyện Kon Plông và vùng lân cận đã ghi nhận hơn 300 trận động đất có cường độ ngày càng lớn, trận có cường độ mạnh nhất ghi nhận được là 4,7 độ richter.

Nhằm ứng phó với động đất, ngày 15-8, UBND tỉnh Kon Tum đã ban hành Kế hoạch ứng phó thảm họa động đất trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

Mục tiêu là phòng ngừa và ứng phó với thảm họa động đất nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản và môi trường. Nâng cao năng lực giám sát, dự báo, cảnh báo thiên tai.

Qua đó, nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền, phổ cập kiến thức cho người dân, rèn luyện kỹ năng cho các lực lượng để giảm thiểu thiệt hại khi xảy ra động đất.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm