Người dân không phải trình kết quả xét nghiệm COVID-19 khi đi lại

Bộ Y tế vừa có công văn khẩn gửi các tỉnh, thành phố về việc triển khai Nghị quyết 128 của Chính Phủ.

Công văn đề nghị các địa phương chủ động thường xuyên đánh giá cấp độ dịch theo từng cấp (từ cấp xã và khuyến khích quy mô nhỏ nhất có thể) để có các biện pháp y tế, hành chính phù hợp và công bố, cập nhật kết quả đánh giá trên Cổng thông tin điện tử của UBND cấp tỉnh và cổng thông tin điện tử Bộ Y tế.

Tăng cường rà soát, giám sát, xét nghiệm các trường hợp có nguy cơ cao đến từ địa bàn có dịch. Bộ y tế yêu cầu các địa phương chủ động xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm kháng nguyên nhanh (không đưa ra các yêu cầu người dân phải trình kết quả xét nghiệm khi vào địa bàn tỉnh, thành phố);

Trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 thì xử lý theo quy định.

Lấy mẫu xét nghiệm cho người dân tại TP.HCM. ẢNH: HOÀNG GIANG

Về tổ chức cách ly, theo dõi sức khỏe, Bộ Y tế nêu rõ những người đã tiêm đủ liều vaccine COVID-19 hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng tính đến thời điểm về địa phương được tự theo dõi sức khoẻ tại nhà, nơi lưu trú trong 7 ngày kể từ ngày về địa phương và nghiêm túc thực hiện Thông điệp 5K. Thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 vào ngày thứ nhất.

Những người tiêm chưa đủ liều vaccine COVID-19 thực hiện cách ly tại nhà, nơi lưu trú 7 ngày kể từ ngày về địa phương; tiếp tục tự theo dõi sức khỏe trong 7 ngày tiếp theo, thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 vào ngày thứ nhất, ngày thứ 7 kể từ ngày về địa phương.

Những người chưa được tiêm vaccine COVID-19, thực hiện cách ly 14 ngày kể từ ngày về địa phương; tiếp tục tự theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tiếp theo và nghiêm túc thực hiện Thông điệp 5K; thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 vào ngày thứ nhất, ngày thứ 7 và ngày thứ 14 kể từ ngày về địa phương;

Tại công văn mới nhất này, Bộ Y tế cũng đề nghị các bộ, ngành chỉ đạo các cơ sở sản xuất kinh doanh, cơ sở kinh doanh dịch vụ, trung tâm thương mại, siêu thị, cơ quan, công sở thực hiện nghiêm việc tự tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 cho người lao động khi có một trong các biểu hiện triệu chứng sốt, ho, mệt mỏi, đau họng, mất vị giác và khứu giác, khó thở... hoặc có yếu tố dịch tễ;

Xét nghiệm khi bắt đầu tổ chức lại sản xuất và xét nghiệm ngẫu nhiên người lao động có nguy cơ cao lây nhiễm COVID-19.

Việc xét nghiệm thực hiện bằng phương pháp gộp mẫu khi xét nghiệm định kỳ, sàng lọc: Gộp 3-5 đối với xét nghiệm kháng nguyên nhanh; Gộp 10-20 đới với xét nghiệm RT-PCR.

Bộ Y tế lưu ý trên cơ sở tình hình thực tế của các cơ sở lao động trên địa bàn, các địa phương chủ động quyết định cụ thể theo từng cấp độ dịch về: tần suất, tỷ lệ xét nghiệm ngẫu nhiên cho người lao động có nguy cơ lây nhiễm cao; phương án tổ chức lưu trú tập trung, cách ly và tổ chức sản xuất khi có dịch tại cơ sở lao động.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm