Người đàn ông nghèo bắt 500 tên cướp

Người nhỏ thó nhưng lanh lẹ như sóc, ông Trần Văn Hoàng được cho là khắc tinh của những tên cướp giật ở khu vực quận Tân Bình, TP HCM. Quê Bình Định, vào Sài Gòn năm 1987, ông Hoàng theo nghề xe ôm kiếm tiền nuôi gia đình. Từ vụ bắt cướp đầu tiên năm 1995 đến nay, ông đã tham gia phá thêm 500 vụ nữa.

Mới đây, đang chở khách, phát hiện 2 thanh niên chạy xe phía trước mắt đảo liên tục vào người đi đường, ông Hoàng vội thả khách để bám theo. Vòng qua vài con phố, hai kẻ tình nghi giữ nguyên khoảng cách với người phụ nữ để túi xách trước xe. Khi chúng bất ngờ vọt lên, tên ngồi sau nhoài người giật chiếc túi cũng là lúc ông Hoàng kéo ga, hô: "Cướp, cướp".

1-8224-1408500592.jpg

Ông Hoàng kể chuyện bắt cướp trong buổi tuyên dương Gương sáng phố phường mới đây. Ảnh:Duy Trần

Phát hiện có người truy đuổi, tên cầm lái lạng lách, đánh võng giữa đường Trường Chinh đông nghẹt. Người xe ôm hơn 50 tuổi cố gắng né dòng xe cộ đang giờ tan tầm để đuổi theo. Khi bắt kịp, tên ngồi sau bất ngờ rút dao tấn công khiến ông Hoàng phải thắng gấp. "Chúng nó manh động như thế, nếu cứ truy đuổi tiếp có thể sẽ gây nguy hiểm cho người đi đường", ông Hoàng kể.

Lựa đoạn vắng, ông Hoàng về số, vặn ga rồi tông thẳng vào xe bọn cướp. Cú va chạm khiến ông văng ra xa, mình đau ê ẩm. Nhưng thấy tên cướp lồm cồm bò dậy nhặt dao, ông nén đau xông đến đá văng hùng khí. “Lúc đó biết mình gãy mấy cái xương sườn rồi nhưng nếu không làm ngay, nó cầm được dao thì khó ai bắt được. Cũng may người dân gần đó ào đến giúp tôi khống chế hắn”, ông Hoàng nói và cho biết chiếc túi xách được trả cho nạn nhân nhưng tên cầm lái chạy thoát.

Chấn thương trong lần đuổi bắt đó khiến ông chạy chữa hơn một tháng, không chở khách được. Đương đầu cướp giật trên đường phố, việc tông xe, té ngã, đi bệnh viện như cơm bữa nhưng đây là lần ông bị nặng nhất. Trên cơ thể ông, vết sẹo này chưa lành thì vết kia đã chồng lên.

Bắt cướp, việc bị đe dọa tính mạng với ông Hoàng như cơm bữa. Từ năm ngoái đến nay, ông bị nam thanh niên có nhiều "chiến tích" cướp giật hăm dọa 16 lần do cản đường làm ăn của hắn. Có tên khác biết nơi ông chạy xe đã vác mã tấu tới chém dằn mặt nhưng ông may mắn né được, nhát chém sượt vai phải khâu 3 mũi. “Cách đây mấy hôm cũng có 2 tên xăm trổ đầy mình tới bảo sẽ chém chết nếu tôi can dự vào chuyện của chúng", ông Hoàng cho hay.

25 năm sống tại Sài Gòn, gia đình ông Hoàng vẫn ở nhà thuê mỗi tháng mất gần 3 triệu đồng. Kinh tế khó khăn nhưng khi nghe ai gọi báo cướp ở đâu, người đàn ông nhỏ thó lại phóng xe tới. “Chuẩn bị chở khách, có khi cuốc xe được 50-60 nghìn nhưng ổng xin lỗi họ, bảo đón xe khác, để đi bắt cướp”, anh Ngọc Phúc, thành viên đội săn bắt cướp, kể.

Giãi bày về cái đam mê lạ lùng “săn bắt cướp”, ông Hoàng gãi đầu chia sẻ, chạy xe ôm, di chuyển nhiều trên đường, mỗi lần chứng kiến cướp giật máu nghề lại nổi lên nên phải phóng xe truy đuổi hạ cho bằng được tên cướp. “Nó ăn sâu vào máu và trở thành cái phản xạ tự nhiên rồi, muốn bỏ không bỏ được. Ông bà mình cũng có câu ra đường gặp chuyện bất bình chẳng tha, chuyện trước mắt, sao mà làm ngơ”, ông Hoàng cười hiền.

Để đuổi bắt cướp, giữa ông và giới tội phạm có cuộc chiến ngầm trong việc “độ” xe. Bọn cướp luôn trang bị những chiếc xe số mạnh, sẵn sàng nhấn ga vọt nhanh trốn thoát. Muốn bắt cướp, xe của ông phải nhanh, mạnh hơn bởi chỉ một chút thua thiệt tên cướp sẽ vụt mất. Đã nhiều trường hợp xảy ra làm ông hối tiếc nên chiếc Wave đời cũ được tân trang, nâng cấp thường xuyên. Mỗi lần làm lại máy, chi phí lên đến 3-4 triệu đồng. Đó là chưa kể những lần sửa chữa sau khi đuổi cướp bị té ngã hay tông xe cản đường chúng.

ong-Hoang.gif

Ông Hoàng phụ vợ bán mũ bảo hiểm, áo mưa mỗi khi xe ôm vắng khách. Đây cũng là nguồn thu nhập chính của gia đìnhẢnh:Duy Trần

Nói về chồng, bà Trương Thị Xí giọng ca thán nhưng đầy hãnh diện. Bà bảo, bạn bè khuyên ông Hoàng bỏ cái việc nguy hiểm này đi nhưng nói hôm trước thì hôm sau lại thấy ông bầm dập vì bắt cướp. “Có lần đang chở tui đi lấy hàng bên quận Tân Phú, hàng đã chất lên rồi mà nghe điện thoại của ai xong ổng gạt hết hàng xuống, bỏ tui lại phóng đi mất tiêu. Chuyến đó bắt được cướp rồi dẫn giải lên công an làm chứng đâu đến 2 giờ sáng mới về", bà Xí nguýt chồng đầy âu yếm.

Bà Xí cho biết, chạy xe mỗi ngày 100-200 nghìn đồng ông dùng để đổ xăng đi tuần, xe độ tốn xăng hơn xe bình thường. “Lúc xe hỏng phải sửa, mình phải đi vay nóng người ta đưa cho ổng, giờ nợ người ta hai ba chục triệu. Ổng làm chuyện không đâu nhưng không hiểu sao mình cũng bị lây tánh ổng rồi nên chấp nhận hết, miễn ổng bình an”, bà nói.

Năm 2013, ông Hoàng lập đội săn bắt cướp gồm 10 thành viên. Trong đội, có người là công chức, người buôn bán hoặc cùng chạy xe ôm. “Đội hoạt động dựa hoàn toàn trên tinh thần tự nguyện, dùng xe nhà, xăng tự đổ, thành viên trong nhóm có hành động vụ lợi sẽ bị trục xuất”, ông quả quyết.

Giữa tháng 8, ông Trần Văn Hoàng là một trong 6 người được tôn vinh là "Gương sáng phố phường" tại TP HCM.

Theo Duy Trần (Dân trí)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm