Người dân Thủ Thiêm nói gì khi Bí thư Nhân đến thăm
Sáng 16-7, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đã đến thăm các hộ dân Thủ Thiêm, đã đồng ý vào khu tái định cư (chung cư 17,3 ha lô C-D phường Bình Khánh, quận 2) gồm các hộ: Ông Võ Văn Thìn, bà Nguyễn Thị Thu Vân và bà Nguyễn Thị Thanh.
Bí thư Nguyễn Thiện Nhân thăm hỏi bà Nguyễn Thị Thu Vân. Ảnh: TÁ LÂM
Mục đích tới thăm của Bí thư Nguyễn Thiện Nhân là để nắm tình hình, lắng nghe tâm tư tình cảm, nguyện vọng mong muốn của người dân nơi đây, đồng thời khẳng định việc TP vẫn tiếp tục rất quan tâm và lắng nghe giải quyết kiến nghị của cử tri mặc dù đến hạn 15-7-2018, Thanh tra Chính phủ chưa có thông báo kết luận.
Đến thăm hộ bà Nguyễn Thị Thu Vân ở căn hộ 3.15 lô C, chung cư 17,3 ha phường Bình Khánh (quận 2), ông Nguyễn Thiện Nhân đã hỏi thăm về cuộc sống gia đình từ khi bà chuyển lên ở chung cư này.
Trò chuyện với Bí thư Thành ủy, bà Vân cho biết từ khi lên khu tái định cư, cuộc sống của bà ổn định hơn rất nhiều và bà cảm thấy toại nguyện. Hiện bà thuê sạp bán cà phê ở chợ Bình Khánh để kiếm sống qua ngày. Khi nghe tin Bí thư đến thăm, bà đã bỏ quán chạy về để được gặp.
Nhà bà Nguyễn Thị Thu Vân (con ông Nguyễn Văn Phương) ở tổ 3, khu phố 1 (nay là 3/2B khu phố 1), phường Bình An. Nguồn gốc nhà, đất: Đất công do bà Trương Thị Hấu chiếm dụng năm 1977 và cất nhà để ở. Năm 1985, sang nhượng lại cho ông Nguyễn Văn Phương. Năm 1991, ông Phương cất lại nhà và xây thêm một căn nhà cho lại con là bà Nguyễn Thị Thu Vân sử dụng để ở. Ngày 20-1-1999, Công ty Quản lý và Phát triển nhà quận 2 ký hợp đồng thuê với ông Phương.
Ông Phương đã đồng ý nhận toàn bộ tiền không đăng ký tái định cư và bàn giao lại căn nhà đang sử dụng. Ngày 29-6-2018, qua tiếp xúc, bà Nguyễn Thị Thu Vân đã đồng ý nhận căn hộ chung cư để tạm cư. Đến ngày 2-7-2018, bà Nguyễn Thị Thu Vân nhận căn hộ chung cư.
Sau đó, ông Nhân đến thăm hộ bà Nguyễn Thị Thanh (62 tuổi) tại căn hộ số 5.04 lô C-D, chỉ có mình bà ở nhà, còn hai người cháu đã đi làm. Bí thư hỏi thăm, bà Thanh thật thà nói ở chung cư 81 m2 thì phải hơn 21 m2 ở khu tạm cư. Nhà bà Thanh ở phường Thủ Thiêm, bị cưỡng chế lên nhà tạm từ tháng 11-2011.
Chia sẻ về cuộc sống sau 10 ngày lên ở chung cư, bà Thanh cho biết vẫn chưa thật quen lắm với cuộc sống ở đây. “Nhà tạm cư trước đây 21 m2, mái tôn vách tạm, mẹ già đau bệnh rồi mất, bà ở cùng hai người cháu. Bây giờ nhà 81 m2 có ba phòng ngủ, còn thơm mùi sơn mới. Nghĩ lại không biết sao mình sống được ở đó tám năm trời” - bà Thanh nói và tin vào lời hứa của Bí thư, sẽ ở đây trong khi chờ giải quyết chuyện đất đai của gia đình.
Ông Nhân cũng đến thăm hộ ông Võ Văn Thìn ở địa chỉ giải tỏa 7/7 khu phố 1, phường An Khánh, quận 2. Hộ ông Thìn có diện tích giải tỏa 24,81 m2, nguồn gốc nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước, năm 1994, Công ty Quản lý và Phát triển nhà huyện Thủ Đức giao cho ông Nguyễn Văn Minh chốt giữ.
Ngày 25-9-1994, ông Minh sang nhượng lại căn nhà cho ông Thìn sử dụng đến ngày giao mặt bằng. Hiện ông Thìn đã nhận căn hộ 4.19 tại chung cư 17,3 ha.
Ông Nguyễn Thiện Nhân trò chuyện với một người dân Thủ Thiêm. Ảnh: TÁ LÂM
Sau khi thăm các hộ dân Thủ Thiêm đã đồng ý vào khu tái định cư, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cũng đến thăm bốn hộ dân ở khu tạm cư An Phú, quận 2. Đây là những hộ dân chưa đồng ý vào khu tái định cư.
Tại đây, ông Nguyễn Thiện Nhân đã hỏi thăm đời sống người dân. Những hộ dân ở đây cũng chia sẻ mong muốn cơ quan chức năng sớm công bố kết luận thanh tra tại khu đô thị mới Thủ Thiêm, có hướng giải quyết cho người dân ổn định cuộc sống.
Trước đó, chiều 20-6, trong cuộc tiếp xúc với cử tri quận 2, ông Nguyễn Thiện Nhân đã nghẹn ngào khi nhắc đến cuộc sống của bà con Thủ Thiêm ở khu tạm cư.
Ông Nhân cho biết ông đã đi thị sát, gặp ba hộ dân Thủ Thiêm xem họ sống thế nào ở khu tạm cư. Ông cho biết là những người trong chiến tranh sẵn sàng hy sinh, cuối đời muốn có chỗ ở đàng hoàng, bình yên. "Chưa biết lý do gì nhưng là con người, thấy cảnh như vậy, ở cái tuổi như cha mẹ mình, đau lắm chứ… Tôi cũng suy nghĩ, trong chiến tranh dân là gốc. Trong hòa bình nếu mình làm tốt dân khen, mình làm chưa đúng thì dân góp ý rồi dân cũng xí xóa, còn không sửa thì dân giận. Tôi gặp bà con lần đầu, cảm nhận được sự bức xúc đó của bà con” - ông Nhân nói.