Đến trưa ngày 30-10, mực nước lũ tại huyện Lệ Thủy cơ bản đã rút và xuống thấp nhưng căn nhà của ông Nguyễn Văn Năm (53 tuổi, ở thôn An Định, xã Hồng Thủy) vẫn còn ngập gần 1m.
Do lũ còn cao nên cả gia đình ông và một số hộ dân khác tại địa phương đang phải sống trong các căn chòi dựng tạm trên Quốc lộ 1A (QL1A) chờ nước rút.
“Nhà tôi ở sát Quốc lộ 1A nhưng rất thấp, đêm ngày 28-10 nước lũ ngập tới 2m. Do không có chỗ trú nên cả nhà năm người phải chạy ra dựng chòi ở tạm trên QL1A. Tội nhất là đứa con trai bị bệnh nặng do tai nạn giao thông phải chịu cảnh gió mưa, lạnh run cầm cập mấy hôm nay”, ông Năm cho biết.
Tương tự, chị Nguyễn Thị Hiếu (47 tuổi, ngụ xã Hồng Thủy, huyện Lệ Thủy) cho biết, chị di chuyển gia súc, gia cầm cùng con cái lên Quốc lộ 1A là vì bất đắc dĩ.
“Căn nhà của tôi chỉ có một tầng, đêm 28-10 lũ lên nhanh mà nhà không có chỗ trốn, chồng lại làm thuê ở xa nên tôi phải lên dựng chòi ở tạm trên Quốc lộ 1A đợi ngày nước rút. Thời điểm này, nhiều đoạn Quốc lộ 1A cũng ngập sâu, không có phương tiện qua lại. Hôm nay tôi đang tính về dọn dẹp nhà cửa và đưa đồ đạc về lại”, chị Hiếu chia sẻ.
Theo ghi nhận của PV, không chỉ riêng hộ gia đình ông Năm và chị Hiếu, do nhà bị ngập sâu nên một số hộ dân ở các xã Hồng Thủy, Thanh Thủy của huyện Lệ Thủy cũng phải dựng chòi ở tạm trên Quốc lộ 1A gần cầu Bến Mốc, cầu Phú Xuân.
Đến sáng 30-10, vẫn còn một số hộ dân chưa thể về nhà sinh hoạt, dọn dẹp do nước lũ vẫn còn ngập sâu 1m. Một số đoạn Quốc lộ 1A qua xã Hồng Thủy các phương tiện vẫn chưa thể di chuyển do còn ngập sâu.
“Tại địa phương có khá nhiều hộ dân sinh sống dọc hai bên Quốc lộ 1A. Do địa hình trũng thấp ở vùng đồng ruộng nên vào mùa mưa lũ sẽ bị ngập khá sâu.
Một số hộ dân không có chỗ trú thường di dời tài sản, gia súc lên chỗ cao cạnh Quốc lộ 1A rồi làm chòi dựng tạm vài hôm, khi nước rút sẽ về nhà”, ông Phạm Minh Huấn, Chủ tịch UBND xã Hồng Thủy, huyện Lệ Thủy thông tin.