Chiều tối 23-7, đại diện Công an huyện Bình Chánh, TP.HCM cho biết cơ quan đang lấy lời khai của hai người được cho là đã hành hung kiểm sát viên (KSV) và nhà báo tại TAND huyện vào trưa cùng ngày. “Hiện chúng tôi đang làm việc, cơ bản là xác định hai người có đánh. Chúng tôi đang củng cố hồ sơ, nếu đủ cơ sở thì sẽ khởi tố và tạm giam. Vụ việc này đã phức tạp từ lâu rồi” - đại diện Công an huyện Bình Chánh nói.
Ba người bị thương
Khoảng 11 giờ 30 trưa 23-7, ngay sau khi HĐXX TAND huyện Bình Chánh vừa tuyên án một vụ tranh chấp lối đi chung thì phía bị đơn đã phản ứng bằng cách hành hung nhiều người. Đây là phiên xử sơ thẩm vụ tranh chấp QSDĐ là đường đi giữa ông Nguyễn Văn Nam khởi kiện ông Nguyễn Văn Hiền, bà Trần Thị Em (ngụ ấp 2, xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh, TP.HCM).
Tại tòa, đại diện VKS phát biểu quan điểm cho rằng đây là lối đi chung, đề nghị ông Hiền, bà Em tháo dỡ các vật cản, trả lại việc lưu thông bình thường cho người dân trong hẻm. HĐXX sau khi nghị án cũng cùng quan điểm với VKS, tuyên bố lối đi đang tranh chấp là lối đi chung và buộc ông Hiền, bà Em phải tháo dỡ các vật cản và bồi thường cho gia đình ông Nam.
Nhưng khi chủ tọa phiên tòa là thẩm phán Lê Thị Hồng Vân vừa đọc xong bản án thì ông Hiền đã giơ hai tay ra hiệu gì đó rồi bất ngờ xông lên tấn công KSV Nguyễn Văn Lân. Thấy vậy KSV Lân đã đưa tay đang cầm chiếc cặp xách lên chống đỡ nhưng do bị đánh bất ngờ nên khiến ông bị thương, chảy máu mũi. Sự việc ngay sau đó được các cảnh sát tư pháp tham gia bảo vệ tại phòng xử án can thiệp kịp thời.
Sau đó, thấy phóng viên của báo Người Lao Động là Lê Văn Phong (bút danh Lê Phong) đang tác nghiệp thì hai phụ nữ lao đến giật điện thoại không cho anh quay. Trong lúc giằng co, anh Phong bị những phụ nữ này đánh vào đầu, cào vào mặt, cổ. Anh phải chuyển điện thoại cho một người là cán bộ TAND huyện Bình Chánh giữ giùm. Phải nhờ đến cảnh sát hỗ trợ thì anh Phong mới được đưa vào phòng nghị án để các nhân viên y tế chăm sóc.
Cũng theo PV Lê Phong, ngoài anh và KSV Lân bị đánh còn có một cảnh sát khu vực tên là Bình trong lúc can ngăn xô xát gần cổng tòa án thì cũng đã bị phía bị đơn đánh sưng mắt.
Hơn hai giờ sau, lực lượng công an đã đưa các đối tượng tham gia hành hung về trụ sở làm việc, công an cũng đã hỗ trợ đưa gia đình ông Nam là nguyên đơn rời khỏi tòa án an toàn.
Kiểm sát viên đang bị hành hung. (Ảnh cắt từ clip)
Vết thương trên mặt kiểm sát viên. Ảnh: LÊ PHONG
Đoán trước nhưng sự cố vẫn xảy ra
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Viện trưởng VKSND huyện Bình Chánh Võ Gia Bình cho hay nhận thấy vụ án phức tạp, đương sự đã từng quậy tòa nên trước phiên xử VKS huyện có phương án phòng ngừa. Cụ thể, ngoài việc phân công KSV Lân tham gia phiên tòa, VKS huyện còn cử thêm hai phó viện trưởng và hai KSV hình sự đến phiên tòa ngồi phía dưới dự khán. Theo ông Bình, phía TAND huyện cũng đã dự liệu trước nên đã mời cán bộ y tế tới trước phiên xử và ngay sau khi xảy ra sự cố thì KSV Lân đã được cán bộ y tế chăm sóc tại chỗ.
Ông Lê Trung Kiên (Phó Viện trưởng VKSND huyện Bình Chánh) cho biết ngày 26-6, phía bị đơn cũng đã từng gây náo loạn tại tòa. Vụ việc đã được công an huyện lập hồ sơ, đang trong quá trình giải quyết thì họ có hành vi trái pháp luật. “Nhóm đương sự này quá manh động, dù đã lường trước và chuẩn bị nhiều phương pháp ứng phó nhưng đối tượng bột phát quá nhanh nên lực lượng công an không kịp ngăn cản” - ông Kiên nói.
PV Lê Phong cho biết anh bị đánh tét đầu và xây xát nhiều chỗ, phương tiện tác nghiệp thì bị đập phá. Tuy nhiên, do thương tích nhẹ và không có nhiều thời gian nên anh không yêu cầu xử lý hình sự, không yêu cầu bồi thường về dân sự và từ chối giám định thương tích.
Nguyên đơn là ông Nguyễn Văn Nam kể khi phía bị đơn nhào lên bục HĐXX thì ông và ba người nhà chạy lên phòng họp ở lầu hai của tòa án để tránh bị hành hung. Sau đó có thêm công an đến và phong tỏa toàn bộ khuôn viên tòa án, không cho ai ra vào. Trước phiên xử, ông Nam cũng đã gửi đơn tới lãnh đạo TAND huyện và thẩm phán Vân đề nghị có biện pháp bảo đảm tính mạng, sức khỏe cho ông và những người tham gia, tham dự phiên tòa.
Phía bị đơn đã từng “quậy” tòa Như Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh, tháng 3-2016, ông Nam khởi kiện hai người hàng xóm đầu hẻm là ông Hiền và bà Em tranh chấp lối đi. Tháng 8-2016, TAND huyện Bình Chánh đã ban hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo yêu cầu của ông Nam với nội dung: Cấm ông Hiền, bà Em thay đổi hiện trạng lối đi và có hành vi ngăn cản việc sử dụng lối đi đang tranh chấp. Sau đó Chi cục Thi hành án dân sự huyện đã ra quyết định thi hành án chủ động nhưng ông Hiền đã không thực hiện quyết định này. Cho rằng lối đi chung là đất của mình nên ông Hiền, bà Em đã nhiều lần ngăn cản, hành hung và dùng nhiều vật dụng bít hẳn lối đi, không cho ai ra vào hẻm... Ngày 26-6, TAND huyện do thẩm phán Nguyễn Thị Nhát làm chủ tọa đã đưa vụ án ra xét xử nhưng do đại diện phía nguyên đơn và một số người có quyền và nghĩa vụ liên quan vắng mặt nên HĐXX đã hoãn xử. Ngay lập tức phía bị đơn gồm hơn chục người rượt đuổi HĐXX, la lối chửi bới ngay tại trụ sở tòa án huyện. Họ đập cửa đòi gặp thẩm phán và chánh án yêu cầu tòa phải xét xử. Ngày 2-7, TAND huyện thay đổi người tiến hành tố tụng với lý do thẩm phán Nhát bị bệnh, người thay thế là thẩm phán Lê Thị Hồng Vân. Đồng thời một hội thẩm trong HĐXX và thư ký cũng được thay thế vì cùng lý do “bận công tác đột xuất”. |