Người đứng đầu có vai trò quan trọng trong xây dựng văn hóa báo chí

(PLO)- Các nhà báo nêu thực tế hiện có những người làm báo không sống được với nghề, phải đánh đổi, ảnh hưởng trực tiếp đến việc phát triển văn hoá báo chí.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 15-3, trong khuôn khổ Diễn đàn báo chí toàn quốc của Hội Báo toàn quốc 2024 đã diễn ra phiên thảo luận về “Xây dựng môi trường văn hoá báo chí”.

nguoi-lam-bao-2.JPG
Các nhà báo, lãnh đạo cơ quan báo chí thảo luận tại phiên 2 của Diễn đàn kinh tế báo chí. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Người làm báo không sống được với nghề

Phát biểu góp ý cho phiên thảo luận, nhà báo Nguyễn Tiến Thanh, Tổng Biên tập Tạp chí Đời sống và Pháp luật, nêu thực tế trong những năm gần đây, báo chí đang ngày thay đổi, kéo theo đó những người làm báo và sản phẩm báo chí cũng thay đổi.

Theo ông Thanh, sản phẩm báo chí hiện giờ không chỉ là sản phẩm văn hoá đơn thuần mà còn mang tính thị trường, giải trí,...

nguoi-lam-bao-3.JPG
Nhà báo Nguyễn Tiến Thanh, Tổng Biên tập Tạp chí Đời sống và Pháp luật, nêu ý kiến tại phiên thảo luận. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

“Nếu như ngày trước báo chí tập trung vào chữ thì hiện nay khi thời đại càng đổi thay, công nghệ ngày càng phát triển, đội ngũ làm báo cũng tập trung vào làm truyền thông, làm kinh tế báo chí để mang lại doanh thu” - ông Thanh nói.

Theo ông Thanh, việc xây dựng môi trường văn hoá báo chí là cần thiết nhằm tránh việc những cơ quan báo chí, những người làm báo chỉ tập trung làm kinh tế mà quên đi việc thực hiện các sản phẩm báo chí văn hoá.

Cũng bàn về kinh tế báo chí, nhà báo Phạm Thanh Phong (báo Nhân Dân) cho rằng kinh tế suy yếu sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc phát triển văn hoá báo chí.

nguoi-lam-bao-6.jpg
Các phóng viên, nhà báo tham gia tác nghiệp tại lễ khai mạc Hội Báo toàn quốc 2024. Ảnh: HOÀNG GIANG

“Những cơ quan báo chí kinh tế khó khăn thì gánh nặng sẽ đổ lên vai của người làm báo. Thực tế, có những người không sống được với nghề...” - bà Phong nêu thực tế.

Do đó, bà Phong đề xuất cơ quan quản lý báo chí phải tạo được cơ chế để người làm báo sống được bằng nghề. Từ đó, tạo nên sự hài hoà giữa phát triển kinh tế và văn hoá trong hoạt động báo chí.

Người làm báo ảo tưởng về quyền lực nghề nghiệp

Nhà báo Phạm Văn Báu, Giám đốc Đài PTTH Thanh Hóa, đề xuất các cấp, hội nhà báo phải liên tục nhắc nhở người làm báo tuân thủ các quy định về môi trường văn hoá báo chí.

“Có nhà báo nêu ý kiến trên mạng xã hội một đường nhưng dẫn link báo một nẻo. Bản chất nội dung bài báo không sai nhưng các nhà báo đăng lên mạng xã hội và cố tình lái dư luận theo hướng không đúng, đó là sai phạm” - ông Báu nêu thực tế.

Cũng theo ông Báu, nhiều người làm báo đang ảo tưởng về quyền lực nghề nghiệp của mình.

“Có những người cố tình lợi dụng mạng xã hội để đăng bài, bình luận nêu ý kiến và lèo lái dư luận hiểu sai về một vấn đề. Dù chúng ta đã ban hành quy định rất chi tiết nhưng không ít nhà báo hiện nay đang vi phạm quy tắc sử dụng mạng xã hội” - ông Báu nói.

người làm báo
Nhà báo Hồ Quang Lợi nêu ý kiến. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Còn nhà báo Hồ Quang Lợi, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, cho rằng để phát triển môi trường văn hoá trong một cơ quan báo chí thì trước tiên người đứng đầu trong cơ quan đó phải gương mẫu.

“Ở một cơ quan báo chí mà người đứng đầu tử tế, hào hiệp, chuẩn mực trong cư xử sẽ tạo nên một môi trường làm việc có văn hoá. Lề lối, kỷ cương, sự tử tế phải được thực hiện. Việc này cũng rất đúng với đường lối của Đảng” - ông Lợi khẳng định.

Theo ông Lợi, nếu từng phóng viên, từng toà soạn đều thực hiện văn hoá báo chí thì việc xây dựng môi trường văn hoá báo chí không chỉ dừng lại ở việc hô hào.

Tại phiên thảo luận, Trưởng ban Bạn đọc báo Pháp Luật TP.HCM Nguyễn Thị Thanh Trang, cho biết báo Pháp Luật TP.HCM đã đạt được những kết quả khả quan sau hơn một năm phát động phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo Pháp luật TP.HCM” và ban hành quy chế ứng xử trong cơ quan.

nguoi-lam-bao-4.JPG
Trưởng ban Bạn đọc báo Pháp Luật TP.HCM Nguyễn Thị Thanh Trang phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Theo đó, báo đã xây dựng được đội ngũ người làm báo vững vàng về bản lĩnh chính trị, bản lĩnh nghề nghiệp, ý thức tuân thủ pháp luật. Xây dựng môi trường làm việc văn minh, đoàn kết, vì sự nghiệp chung.

Đồng thời xây dựng được tinh thần thi đua, sáng tạo thực chất, hiệu quả tại cơ quan và không ngừng khuyến khích đội ngũ người làm báo Pháp Luật TP.HCM hành động vì cộng đồng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm