Nghệ nhân Thanh Nhàn cho biết ông tên thật là Võ Công Khanh (66 tuổi, khóm Đông Bình A, xã Đông Thuận, thị xã Bình Minh, Vĩnh Long). Do sinh ra trong một gia đình có truyền thống hát bội nên ngay từ nhỏ, nghệ nhân đã theo ông ngoại đi khắp nơi lưu diễn.
Thợ may độc nhất
Sau khi ông ngoại mất, nghệ nhân Thanh Nhàn đi theo nhiều đoàn hát khác nhau, lưu diễn khắp ĐBSCL rồi lên cả TP.HCM. Cụ thể ông đã tham gia các đoàn như Liên Hữu, Tấn Phát (Long Xuyên, An Giang), Sao Vàng, Văn Thanh (Sóc Trăng), Đồng Thinh (Vĩnh Long), Phước Tuần, Phước Hưng (Cần Thơ), CLB Thể nghiệm của NSƯT Ngọc Khanh và Sĩ Tốt.
Tại các đoàn hát trên, nghệ nhân Thanh Nhàn làm nhiều công việc như bán vé, phụ việc phía sau sân khấu và cả vai trò kép chính. Từ đó kinh nghiệm nghề của ông ngày càng được nâng cao.
Theo nghệ nhân Thanh Nhàn, lúc bấy giờ các điểm may trang phục tuồng không có, nghệ sĩ phải mặc trang phục cũ từ nửa thế kỷ trước. “Trong một lần diễn vai Tạ Ôn Đình, tôi bị khán giả chê mặc đồ cũ nát. Từ đó tôi bắt đầu suy nghĩ đến việc may trang phục để có đồ mới mặc cho lịch sự” - nghệ nhân kể.
Do không có trường dạy may trang phục tuồng nên nghệ nhân Thanh Nhàn đã tự mày mò học hỏi cách may. Ông đi mua những bộ giáp cũ của các anh em nghệ sĩ về tháo ra, nghiên cứu cách may ráp lại. Vì tay ngang nên những sản phẩm đầu tay đã không được như ý muốn, vải nhăn nhúm, màu sắc hoa văn không sinh động, không sang. Vì vậy nghệ nhân phải tháo ra làm lại nhiều lần.
“Lúc đầu nản lắm nhưng được sự động viên, ủng hộ của mọi người, phần vì yêu nghề nên tôi hạ quyết tâm làm cho bằng được. Cuối cùng cũng có vài bộ ra sân khấu được mọi người khen, tôi mừng như trúng số” - nghệ nhân Thanh Nhàn chia sẻ.
Ông cũng chia sẻ thêm, trước khi bắt tay vào làm một bộ trang phục, phải nghiên cứu kỹ trang phục đó là người nào mặc, ở triều đại nào, có thể sử dụng cho những tuồng nào. “Mỗi tuồng có trang phục riêng, mang dấu ấn của thời đại đó. Ví dụ tuồng Xử án Bàng Quý Phi, trong đó có Địch Thanh là tướng soái thì ổng mặc đồ của nguyên soái và ổng cầm đao chứ không thể cầm thương” - nghệ nhân cho biết.
Nghệ nhân Võ Công Khanh (Thanh Nhàn) trong bộ trang phục hoàng đế do mình làm ra.
Nghệ nhân Võ Công Khanh (Thanh Nhàn) đang kiểm tra lại chiếc mão vua.
Trong lúc trò chuyện với PV, nghệ nhân lấy ra một bộ trang phục toàn màu kim sa lấp lánh. Các hạt kim sa được kết thành hình một con rồng lớn, trông sống động như thật. Theo nghệ nhân Thanh Nhàn, đây là trang phục cho vua vì thời xưa chỉ có vua chúa mới được mặc trang phục màu vàng và thêu hình rồng. Tất cả công đoạn đều được làm bằng tay, rất tỉ mỉ, cách phối màu chuẩn xác. Một bộ trang phục thế này người thợ giỏi cũng phải mất bảy ngày mới hoàn thành được.
Sau khi rành về may quần áo, ông bắt đầu làm thêm mão, giày, râu, đao, roi ngựa… Đến nay đôi bàn tay cần mẫn người nghệ nhân có thể may tất cả trang phục, đồ dùng của sân khấu tuồng, tuồng cổ và trở thành người độc quyền cung ứng trang phục tuồng cho các đoàn hát tại ĐBSCL. Số lượng trang phục của ông đã lên đến hàng trăm bộ, đủ để cung ứng cho ba đoàn hát cùng lúc.
Thời gian gần đây, vì lý do sức khỏe và công việc gia đình nên nghệ nhân Thanh Nhàn chủ yếu tập trung cho thuê trang phục và tham gia các hoạt động lễ hội văn hóa tại địa phương. Ông làm cố vấn đạo diễn, chỉ đạo sân khấu cho các đoàn hát.
Hiện ông hoạt động trong Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Vĩnh Long. Ở địa phương, hễ có lễ hội văn hóa, cúng kỳ yên hay khánh thành đình miếu đều mời ông tham gia biểu diễn.
Theo nghệ nhân Thanh Nhàn, hiện tại nghệ thuật tuồng hát bội đang bị chựng lại, không có thế hệ kế thừa. Bởi nghề này khó kiếm sống và quá khó tập đối với lớp trẻ bây giờ. Phần lớn thế hệ sau này chuyển qua cải lương, tấu hài, kịch nói. “Những người yêu nghề như chúng tôi chắc không có thế hệ kế thừa nữa” - nghệ nhân Thanh Nhàn nói.
Qua hàng chục năm cống hiến cho nghề, năm 2015 nghệ nhân Thanh Nhàn được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú. Về vận mệnh của sân khấu tuồng hát bội thời nay, ông chia sẻ: “Đời nghệ sĩ khắc nghiệt lắm, đã có lúc tôi định bỏ nghề phần vì lớn tuổi, phần vì không thể nuôi sống gia đình nhưng đã là nghiệp thì đâu dễ dứt được. Có lúc nghe nhiều người chê hát bội, tôi xem như không nghe để tiếp tục làm nghề. Còn về trang phục các đoàn chủ yếu là thuê. Dù sau này không ai thuê nữa thì những bộ trang phục này cũng là một kỷ niệm nghề của người nghệ sĩ”. |