Gói bánh tét ngày 30 tết, nét truyền thống của người miền Tây

Người miền Tây gói bánh tét ngày 30 tết

(PLO)-Từ bao đời nay, cứ đến ngày 30 tết, nhiều gia đình ở miền Tây quây quần bên nhau để gói bánh tét. Tập tục này đã trở thành truyền thống được nhiều người gìn giữ và truyền cho các thế hệ nối tiếp nhau.

Video: Người miền Tây gói bánh tét ngày 30 tết

Mỗi dịp tết đến, các gia đình ở miền Tây lại rộn ràng tổ chức gói, nấu bánh tét làm không khí Tết Nguyên đán thêm nhộn nhịp.

Gói bánh tét (8).jpg
Để gói bánh tét, gia đình phải chuẩn bị nguyên liệu chu đáo, như nếp, đậu xanh, lá chuối, thịt heo, chuối... Trước ngày gói bánh, các mẹ, các chị đã tỉ mẩn phân loại, rửa sạch, xếp gọn từng chiếc lá chuối để chuẩn bị gói bánh.
Gói bánh tét (9).jpg
Từ ngày 28 tháng Chạp, nhiều gia đình đã bắt tay vào gói bánh. Tuy nhiên nét truyền thống ngày 30 Tết vẫn được nhiều người duy trì qua nhiều đời và thành tập tục. Thường mỗi khi gói bánh, cả nhà đều quây quần, nói cười rôm rả, rất đông vui.
Gói bánh tét (3).JPG
Cuộc sống đã khác xưa, bánh tét ngày tết cũng không còn được người dân gói nhiều như ngày trước. Tuy nhiên, nhiều gia đình vẫn còn duy trì phong tục này, như gia đình bà Trình Thị Châu (70 tuổi, xã Long Hưng, huyện Châu Thành, Tiền Giang) thì ngày 30 tết tất cả bà con nội, ngoại trong gia đình đều tụ hợp về để cùng nhau gói bánh tét cúng ông bà dịp tết.
Gói bánh tét (12).JPG
Theo bà Châu, việc gói bánh này bà đã cùng gia đình gói cách đây 50 năm, năm nào cũng thế, ngay ngày 30 tết, tất cả chị, em, con cháu trong gia đình, mỗi người một việc tham gia gói bánh tét. Tết đến gia đình gói từ 50 đến 80 đòn, tùy theo lượng nếp mua về để dùng gói bánh.
Gói bánh tét (15).JPG
“Gói bánh này là truyền thống ông bà từ xưa truyền lại cho mình. Hằng năm cứ đến ngày này, mọi người tự nhớ trở về để tham gia gói bánh. Bánh có hai loại: bánh chuối và bánh mỡ. Lựa chọn dây cột cho đẹp, chắc. Quan trọng nhất là trong khâu nấu bánh, phải chụm lửa đều, thường xuyên coi nước không để lửa tắt hoặc cạn nước sẽ bị cháy lá, khét bánh. Chụm lửa không đều bánh sẽ bị sống. Nét truyền thống gói bánh này tôi luôn truyền dạy cho con cháu để sau này khi những người lớn như tôi không thể gói thì các con, cháu tiếp tục truyền thống này của gia đình”- bà Châu nói.
Gói bánh tét (2).JPG
Bánh tét chủ yếu ở miền Tây dùng đậu xanh, thịt heo hoặc chuối chín để làm nhân bánh. Tuy nhiên, đậu xanh vẫn là nguyên liệu làm nhân thông dụng nhất. Gói bánh phải có đôi bàn tay khéo léo, cột bánh sẽ tròn, đều rất đẹp.
Gói bánh tét (1).JPG
Anh Bùi Quốc Tuấn (54 tuổi, xã Bình Tâm, TP. Tân An, Long An) chia sẻ: “Cứ đến 30 tết tôi cùng vợ lại về Tiền Giang tham gia cùng gia đình vợ gói bánh tét. Gói bánh rất vui, người nào cũng có công việc để làm, cùng nhau trò chuyện chuẩn bị đón tết với không khí vui tươi, đầm ấm của gia đình. Tôi và vợ tôi đã nói với các con nên quý trọng và nhớ đến ngày này để tham gia cùng với gia đình”.
Gói bánh tét (16).JPG
Gói bánh tét (14).JPG
Mỗi dịp tết, người dân ở các tỉnh miền Tây lại rộn ràng gói bánh bánh tét.
Gói bánh tét (4).JPG
“Mỗi dịp tết đến là tôi sắp xếp đúng ngày 30 để về tham gia gói bánh cùng gia đình. Với tôi, gói bánh tét ngày tết đem lại cho bản thân trải nghiệm thú vị và đặc biệt là sự ấm cúng, đoàn viên bên cha mẹ, người thân”, chị Tô Thị Ngoan (26 tuổi, xã Long Hưng, huyện Châu Thành, Tiền Giang) nói.
Gói bánh tét (6).JPG
Gói bánh tét (5).JPG
Theo bà Châu, trước đây việc nấu bánh tét khá vất vả vì cả làng chỉ có vài cái nồi to. Có khi phải lên lịch để nấu, khi nhà này xong rồi thì cho những gia đình xung quanh mượn nồi, nấu xong lại đưa cho nhà khác. Bây giờ, gần như nhà nào cũng có nồi, rất thuận tiện.
Gói bánh tét (7).JPG
Sau 6 - 8 tiếng đồng hồ nấu liên tục, nồi bánh tét sẽ chín mềm và tỏa mùi thơm. Gói bánh tét đã trở thành một nét đẹp trong văn hóa truyền thống của người miền Tây. Dẫu cuộc sống có đổi thay, nhưng việc gói bánh tét ngày 30 tết vẫn mang đậm hương sắc Việt trong ngày tết cổ truyền.

Đọc thêm