14 năm gắn bó với mái trường THCS Đức Trí cũng là chừng ấy thời gian thầy giáo trẻ Dũng không ngừng đổi mới phương pháp dạy học. Với môn mỹ thuật của mình, thầy luôn biết cách để học sinh đam mê với môn học.
Những dự án dạy học hiệu quả
Sau khi tốt nghiệp Trường CĐ sư phạm, thầy Dũng được phân về giảng dạy tại Trường THCS Đức Trí. Là giáo viên dạy bộ môn mỹ thuật, vốn là môn phụ lại được đánh giá theo phương thức đạt hay chưa đạt cho nên trò dường như không quan tâm đến môn học ngoại trừ những em có sẵn niềm đam mê.
“Vì thế, tôi nghĩ mình phải thay đổi cách dạy để các em thích thú khi học bộ môn này. Tôi luôn xác định mỹ thuật không chỉ là vẽ đơn thuần mà nó còn giúp các em cảm thụ về nét đẹp của cuộc sống. Làm sao qua mỗi tiết học học sinh sẽ biết sử dụng nhiều công cụ khác nhau để hiện thực hóa vẻ đẹp đó” - thầy Dũng nói. Nghĩ vậy nên thầy hay đổi mới nội dung, ví dụ khi dạy về ngày Tết, thay vì vẽ tranh, các em có thể làm những tấm thiệp, những đoạn phim ngắn.
Thầy giáo Trần Đình Dũng tham gia cuộc thi giáo viên sáng tạo trên nền tảng CNTT cấp thành phố. Ảnh:nvcc
Năm học 2015-2016 là một năm đáng nhớ khi thầy Dũng đạt giải nhì cấp thành phố cuộc thi Giáo viên sáng tạo trên nền tảng CNTT năm 2016 với dự án “Lá cây - nguồn dược liệu cho con người”. Với dự án này, học sinh biết những loại lá cây nào có thể chữa bệnh từ đó tổng hợp làm một bộ sưu tập. Các em còn ứng dụng môn sinh học, ép khô những chiếc lá tạo nên một bức tranh đa sắc màu.
Tiếp đó, năm học 2016-2017, thầy Dũng cùng học sinh khối 6 và khối 9 của trường thực hiện dự án “Trao đổi thiệp”. Thầy đã kết nối với trường học ở Ukraine thông qua Skype, học sinh hai nước đã trao đổi cho nhau về lễ hội, về phong cảnh đất nước, hướng dẫn cho nhau về cách làm thiệp và gửi tặng nhau những tấm thiệp tự làm.
Không chỉ gửi tặng cô thầy, bạn bè, các em còn làm thiệp tặng những người già neo đơn, trẻ em cơ nhỡ. Dự án của thầy đã đạt giải ba cấp thành phố - Cuộc thi giáo viên sáng tạo trên nền CNTT cấp TP” và “Đạt giải dự án liên kết được nhiều trường nhất”.
Thầy Dũng tổ chức cho học sinh thực hiện tiết học kết nối trực tuyến với học sinh trường BRITANNICA - UKRAINE qua SKYPE. Ảnh: nvcc
Luôn luôn học hỏi, năm học 2017-2018, thầy Dũng tiếp tục tham gia cuộc thi giáo viên sáng tạo trên nền CNTT ở hạng mục thiết kế bài giảng. Thầy thiết kế bài giảng trên powerpoint phiên bản 2016 với những hiệu ứng, tính năng mới cho phép thể hiện bài giảng phong phú, sinh động.
“Tất cả sự đổi mới đều liên quan đến môn học. Dù tôi có sáng tạo thế nào, ứng dụng công nghệ ra sao thì điều quan trọng nhất là muốn truyền tải một cách tốt nhất kiến thức bộ môn cho các em” - thầy Dũng tâm sự
"Chúng em thích môn mỹ thuật!"
Mỹ thuật dù được coi là một bộ môn phụ nhưng thầy Dũng cho rằng: “Một khi đã chọn nghề giáo thì dù dạy môn nào cũng phải tận tâm với nghề và làm sao để học sinh tiếp thu bài một cách hứng thú nhất. Tôi luôn tìm tòi, đổi mới trong cách dạy để các em thấy môn mỹ thuật không nhàm chán, nó cũng có những điều thú vị và cũng quan trọng đối với cuôc sống. Tôi luôn dạy các em bằng tất cả niềm đam mê của mình vì tôi không bao giờ muốn người khác phàn nàn về mình” - thầy Dũng tâm sự.
Nhắc đến thầy Dũng, ánh mắt em Nguyễn Đào Gia Kiệt, học sinh lớp 7A2 sáng lên, em nói vui tính lắm và luôn quan tâm tới học trò. Mỗi tiết học thầy lại sử dụng những phần mềm khác nhau để đổi mới cho học sinh. “Em còn được tham gia các dự án của thầy. Mỗi một dự án đều khiến em biết thêm nhiều kiến thức, nhiều kỹ năng” - Gia Kiệt tâm sự.
Thầy Dũng thực hiện Chương trình Sống Yêu Thương - Lần 2 tại mái ấm tình thương FATIMAL thuộc phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1. Ảnh: nvcc
Tương tự, em Nguyễn Phan Thúy Vy, học sinh lớp 8A1, cho biết em rất thích vẽ. Nhờ được thầy chỉ bảo em vẽ ngày càng đẹp hơn. Học môn mỹ thuật của thầy em không chỉ biết về cái đẹp, về cuộc sống xung quanh còn biết ứng dụng nhiều công nghệ vào môn học. Nhờ thế, em thấy yêu môn mỹ thuật hơn.
Cô Nguyễn Thị Ngân Hà, Phó Hiệu trưởng nhà trường, cho hay dù còn trẻ nhưng thầy Dũng luôn hăng hái tham gia vào các cuộc thi do Sở và Bộ GD&ĐT tổ chức và đều đạt giải cao.
“Ở thầy Dũng luôn có sự ham học hỏi, tự nghiên cứu và trau dồi kiến thức. Thầy luôn biết áp dụng công nghệ thông tin vào môn học để biến những tiết học mỹ thuật thu hút, hấp dẫn và lôi cuốn. Ban giám hiệu rất ghi nhận những đóng góp của thầy đối với nhà trường và luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi cũng như hỗ trợ về các thiết bị để thầy có thể tham gia các cuộc thi một cách tốt nhất” - cô Ngân Hà nói.