Người thương binh quá cố và vụ kiện để giữ lại 53,1 m2 đất

(PLO)- Theo HĐXX, phía người bị kiện ra quyết định thu hồi đất của gia đình ông Thơm để trả lại cho người khác nhưng lại không nêu chủ thể được trả lại đất là ai.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 19-6, TAND Cấp cao tại TP.HCM đã tuyên chấp nhận yêu cầu của người khởi kiện - ông Lê Đình Thơm, hủy một phần quyết định liên quan đến việc buộc ông Thơm trả lại phần đất 53,1 m2; hủy một phần quyết định cưỡng chế thu hồi phần đất này.

Theo HĐXX, phía người bị kiện ra quyết định thu hồi đất của gia đình ông Thơm để trả lại cho người khác nhưng lại không trình bày được chủ thể được trả lại đất là ai, trong các quyết định hành chính bị kiện cũng không ghi nội dung đối tượng được trả lại đất.

Giữ lại được căn nhà xây dựng hơn 20 năm trước

Năn 2000, do hoàn cảnh khó khăn, gia đình ông Thơm được địa phương cho lưu trú tại căn nhà vách ván, mái tôn thuộc khu phố 4, phường Tân Thuận Tây, quận 7 với diện tích 53,1 m2.

Bà Lê Thị Nhất (vợ ông Thơm) cùng di ảnh ông trong căn nhà cấp 4 xây dựng từ hơn 20 năm trước. Ảnh: SONG MAI

Bà Lê Thị Nhất (vợ ông Thơm) cùng di ảnh ông trong căn nhà cấp 4 xây dựng từ hơn 20 năm trước. Ảnh: SONG MAI

Năm 2003, gia đình ông sửa chữa, cải tạo chỗ ở thành nhà cấp 4. Ngày 29-1-2016, chủ tịch UBND quận 7 ban hành quyết định buộc ông Thơm tháo dỡ căn nhà, trả lại 53,1 m2 đất. Sau đó, chủ tịch UBND quận 7 ban hành các quyết định liên quan đến việc cưỡng chế thi hành quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với ông Thơm.

Ông Thơm khiếu nại, đề nghị chủ tịch UBND quận 7 xem xét lại các quyết định đã ban hành. Ngày 4-11-2019, chủ tịch UBND quận 7 bác đơn khiếu nại của ông nên tháng 11-2020, ông đi kiện.

Khi kết quả theo kiện còn chưa có thì ông Thơm qua đời trong đại dịch COVID-19 vào năm 2021. Vợ con ông kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của ông. Họ giữ nguyên yêu cầu khởi kiện, đề nghị tòa tuyên hủy các quyết định liên quan đến việc thu hồi đất của gia đình.

Tháng 11-2022, ngay giỗ đầu của ông Thơm, TAND TP.HCM xử sơ thẩm đã nhận định rằng việc chủ tịch UBND quận 7 xác định phần đất nhà ông Thơm đã được đăng ký trước bạ cho Công ty Mía đường miền Nam (nay là Tổng công ty Mía đường II) từ năm 1974 là không có cơ sở. Người bị kiện cũng không có tài liệu chứng minh phần đất

53,1 m2 thuộc quyền sử dụng, quản lý của Tổng công ty Mía đường II hay của UBND quận 7 hay của ai; và trên thực tế ông Thơm là người sử dụng phần đất này từ năm 2000 đến nay.

“Gia đình chúng tôi đã sinh sống tại đây hơn 20 năm nên mong muốn được chính quyền địa phương tạo điều kiện để đóng thuế và hợp thức hóa khu đất này để ổn định cuộc sống.”

Lê Thị Nhất (vợ ông Thơm)

Mong muốn được ổn định cuộc sống

Chiều 19-6, trao đổi với PV trong căn nhà cấp 4 được xây dựng từ hơn 20 năm trước, bà Lê Thị Nhất (vợ ông Thơm) nghẹn ngào nhớ lại khoảng thời gian lận đận, nắng mưa của tháng ngày khiếu kiện.

Ông Lê Đình Thơm từng tham gia chiến đấu ở chiến trường Campuchia, được Chủ tịch nước tặng Huân chương Chiến công hạng Nhì. Năm 2000, ông bà từ Thanh Hóa vào TP.HCM.

Gia đình họ phải sống lận đận trên ghe chạy khắp các con rạch tại khu vực kênh Tẻ. Được chừng vài tháng thì ghe chìm, vợ chồng bà được chính quyền địa phương hỗ trợ lên sống ở khu đất này.

Ông Thơm làm dân phòng tại phường Tân Thuận Tây, quận 7. Rời kiếp thương hồ, họ hân hoan với chốn an cư trên đất liền là một phần đất doi ra trên con kênh và nằm sau chốt dân phòng lúc bấy giờ.

Năm 2015, UBND phường Tân Thuận Tây lập biên bản hành vi ông Thơm xây dựng nhà không phép vào… trước năm 2003. Đến năm sau thì UBND quận 7 ra quyết định buộc tháo dỡ nhà, trả đất cho ông T với lý do thửa đất này được một công ty cấp cho ông T nhưng ông T là ai thì không ai biết. Rồi từ đó, gia đình ông Thơm sống chung với nguy cơ bị đập nhà, cắt điện, cúp nước…

Trước khi mất vào năm 2021, chồng bà vẫn đau đáu về vụ kiện, lo vợ con không còn chỗ ở. Sau khi nghe phán quyết của tòa, gia đình bà đã yên tâm phần nào.

“Gia đình chúng tôi đã sinh sống tại đây hơn 20 năm nên mong muốn được chính quyền địa phương tạo điều kiện để đóng thuế và hợp thức hóa khu đất này để ổn định cuộc sống” - bà chia sẻ niềm mong mỏi.

Tòa đã xem xét kỹ từng chứng cứ để ra phán quyết thấu tình đạt lý

Năm 2020, tôi cùng luật sư đồng nghiệp xuống khu vực nhà ông Thơm để hỗ trợ pháp lý cho hộ dân tại đây về công tác cưỡng chế, thu hồi đất thì biết được hoàn cảnh của ông Thơm. Sau khi xem qua hồ sơ và chứng kiến hoàn cảnh của ông Thơm, chúng tôi đã hỗ trợ và đồng hành cùng ông trong suốt quá trình khiếu kiện.

Tòa án hai cấp đã rất chi tiết, thấu tình đạt lý. Trong đó, tòa sơ thẩm đã xem xét kỹ càng từng chứng cứ, xác minh từng chi tiết một. Rất nhiều phiên tòa sơ thẩm được mở để cân nhắc từng tình tiết, sau đó tuyên gia đình ông Thơm thắng kiện.

Trong vụ kiện này, người khởi kiện đã tìm được công lý. Điều này khiến người dân có niềm tin hơn vào công lý.

Luật sư TRẦN ĐÌNH DŨNG (Đoàn Luật sư TP.HCM)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm