Người trẻ với khát khao lưu giữ dấu tích nhà cổ Sài Gòn

(PLO)- Nhiều người trẻ ở TP.HCM có sở thích đi đó đây kiếm tìm những ngôi nhà cổ và chụp lại để lưu giữ nét đẹp văn hóa, kiến trúc, những câu chuyện thú vị đằng sau.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ký ức Sài Gòn - Chợ Lớn luôn gắn liền với những ngôi nhà cổ trầm mặc chứng kiến sự đổi thay và chất chứa biết bao câu chuyện.

Những “nhân chứng sống” có niên đại hàng trăm năm đang đứng trước nguy cơ dần biến mất. Những dãy nhà cổ trải dài hàng trăm mét nay chỉ còn lại vài căn cũ kỹ, trơ trọi. Những di tích minh chứng cho sự đổi thay và phát triển của TP nay bị cơi nới, chỉnh sửa, đập phá do sự đô thị hóa nhanh chóng.

Có lẽ vì thế, những người trẻ có chung sở thích chụp ảnh đã đi đó đây kiếm tìm những ngôi nhà cổ và chụp lại để lưu giữ nét đẹp văn hóa, kiến trúc, những câu chuyện thú vị đằng sau.

Người trẻ chụp ảnh nhà cổ để lưu giữ nét đẹp văn hóa, kiến trúc, những câu chuyện thú vị đằng sau. Ảnh: BTC

Người trẻ chụp ảnh nhà cổ để lưu giữ nét đẹp văn hóa, kiến trúc, những câu chuyện thú vị đằng sau. Ảnh: BTC

Ngôi nhà cổ được chị Hảo tình cờ chụp lại trên đường đi làm về. Ảnh: BTC

Ngôi nhà cổ được chị Hảo tình cờ chụp lại trên đường đi làm về. Ảnh: BTC

Nâng bước người trẻ khám phá, lưu giữ dấu tích nhà cổ

Mới đây, cuộc thi ảnh mang chủ đề “Nhà cổ Sài Gòn - Chợ Lớn” do fanpage Cholon Downtown tổ chức đã thu hút đông đảo người trẻ tham gia. Cuộc thi nhằm nâng bước người trẻ lên đường khám phá, chiêm ngưỡng và lưu giữ những dấu tích còn sót lại của nhà cổ để hiểu hơn, yêu hơn và truyền tải giá trị bảo tồn trước khi mảnh ký ức đã làm nên lịch sử và dấu ấn của TP này biến mất.

Chị Quang Mỹ Thiên (30 tuổi), đại diện ban tổ chức cuộc thi, chia sẻ ý tưởng bắt nguồn từ những lần chị cùng bạn bè đi chụp ảnh những ngôi nhà cổ. Có rất nhiều nơi sau khi chị chụp xong thì bị tháo dỡ, đập bỏ.

“Tôi cảm thấy nếu những di tích ấy mà mất đi và không còn lại dấu vết gì thì thật là tiếc. Tôi sợ nhiều câu chuyện hay đằng sau những ngôi nhà đó cũng bị rơi vào quên lãng. Từ đó tôi cùng team tổ chức cuộc thi này để vận động mọi người chụp và lưu giữ lại tất cả hình ảnh nhà cổ Sài Gòn - Chợ Lớn ở khắp nơi tại TP này” - chị Thiên tâm sự.

Bên cạnh việc lưu giữ hình ảnh những ngôi nhà cổ, những chi tiết kiến trúc có giá trị, chị Thiên mong muốn cuộc thi sẽ là một sân chơi để những người trẻ có cùng sở thích chụp ảnh hội tụ giao lưu, học hỏi. Chị hy vọng kết nối người trẻ với những câu chuyện văn hóa nhà cổ, để họ hiểu hơn về kiến trúc và câu chuyện đằng sau những ngôi nhà cổ hằn dấu vết thời gian này.

Chị Linh mong muốn sau cuộc thi này, nhiều người sẽ quan tâm hơn đến những kiến trúc cổ và cùng chung tay gìn giữ nét đẹp thời gian.

Khát khao lưu giữ giá trị văn hóa, lịch sử

Là người đoạt giải “Bức ảnh được yêu thích nhất”, Đỗ Hoàn Hảo (25 tuổi) cho biết vì có sở thích đi đây đó chụp những ngôi nhà cổ nên bản thân chị rất ấn tượng với cuộc thi này. Vì là nhân viên văn phòng, chị chỉ đi chụp ảnh vào những lúc rảnh hoặc là trên đường đi làm về. Đặc biệt chị thích chụp những ngôi nhà mang kiến trúc cổ của miền Nam từ năm 1975 trở về trước và một số kiến trúc nhà cổ của người Hoa, người Pháp.

Chị Hảo chia sẻ: “Có một lần, tôi đi ngang khu người Hoa thì tình cờ bắt gặp ngôi nhà này. Ngôi nhà cổ trông rất đẹp và không có ai ở. Tôi nghĩ đây là kiến trúc cần được bảo tồn vì kiến trúc thể hiện cả một thời đại của giai đoạn lịch sử. Là người trẻ, tôi chỉ biết cố gắng lưu giữ những gì liên quan đến ngôi nhà cổ này bằng cách chụp lại hình ảnh của nó”.

Câu chuyện đằng sau bức ảnh đoạt giải được chị Hảo chia sẻ: “Sài Gòn - mảnh đất trẻ trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm lịch sử. Biết bao nhiêu thứ cũng đã dần thay đổi, bị thay thế nhưng lạ thay ở đâu đó vẫn tồn đọng những mảnh ghép của quá khứ, có khi khép nép, có khi sừng sững mà đứng yên đó chứng kiến thời cuộc… như những công trình này vậy. Không chỉ là kiến trúc, không gian, mà còn chứa đựng cả một giá trị văn hóa giai đoạn đó, giai đoạn mà chắc chắn nó đã phải rất hoàng kim theo cách của mình”.

Còn Nguyễn Thị Ngọc Linh (26 tuổi), người đoạt giải sáng tạo trong cuộc thi ảnh Nhà cổ, cho biết chị rất thích cuộc thi vì mang lại nhiều ý nghĩa, thể hiện được sự quan tâm của người trẻ đối với những di sản xưa. “Lý do tôi chọn ngôi nhà cổ Nguyễn Bửu Long để chụp bởi vì nó mang đến cho tôi nhiều ấn tượng nhất, bởi tính lịch sử và câu chuyện của nó” - chị Linh nói.

Theo lời chị Linh, ngôi nhà cổ này từng bị cháy và đã được xây lại, thuộc kiến trúc Việt - Hoa. Chị mong muốn sau cuộc thi này, nhiều người sẽ quan tâm hơn đến những kiến trúc cổ và cùng chung tay gìn giữ nét đẹp thời gian.

“Tôi thiết nghĩ một di sản quý giá như vậy không những mang nét đẹp kiến trúc độc đáo mà còn chứa đựng cả những giá trị về văn hóa và một giai đoạn lịch sử rất đặc trưng của mảnh đất Sài Gòn - Chợ Lớn vào đầu thế kỷ 20. Ngôi nhà cổ Nguyễn Bửu Long xứng đáng nhận được nhiều sự quan tâm hơn để giữ lại cho TP một viên ngọc quý”.

Ngọc Linh chia sẻ câu chuyện đằng sau bức ảnh đoạt giải của mình: “Ngôi nhà với tuổi đời ngót nghét gần một trăm năm, được xây dựng rất đồ sộ với kiến trúc trông như một ngôi đền kỳ lạ và bí ẩn. Qua năm tháng, ngôi nhà được phủ lên nó một sắc màu thời gian rêu phong và càng thêm cổ kính... Ít ai biết được rằng đó từng là dinh thự của một trùm du đãng có tiếng trên đất Sài Gòn vào những thập niên đầu thế kỷ 20”.•

Cơ cấu giải thưởng cuộc thi ảnh “Nhà cổ Sài Gòn - Chợ Lớn”

Giải sáng tạo tác giả sẽ nhận được 2 triệu đồng tiền mặt, một bộ sticker và một máy chụp ảnh kỹ thuật số 13 pixel; giải bình chọn và giải yêu thích nhất các bạn sẽ nhận được 1 triệu đồng tiền mặt và một máy ảnh kỹ thuật số 13 pixel; giải đặc biệt sẽ nhận được một máy ảnh 16 pixel và một bộ sticker.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm