“Nếu như những năm trước ung thư gan chỉ đứng hàng thứ ba ở Việt Nam thì từ năm 2018 đã vươn lên vị trí dẫn đầu với trên 25.000 ca tử vong mỗi năm. Con số này gấp ba lần số nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông hằng năm.
Bên cạnh đó, các bệnh lý viêm gan, xơ gan và các bệnh mật tụy đã và đang là những thách thức to lớn đối với nền y tế nói chung và chuyên ngành gan mật tụy Việt Nam nói riêng”. Đây là thông tin đáng chú ý được Thiếu tướng, GS-TS Lê Trung Hải, Chủ tịch Hội Gan mật Việt Nam nêu ra tại Hội nghị Gan Mật toàn quốc lần thứ 15.
Hội nghị lần này có chủ đề “Cập nhật xu thế mới trong chẩn đoán và điều trị bệnh lý gan mật tụy", do Hội Gan mật Việt Nam và Phân hội Phẫu thuật Gan mật tụy Việt Nam phối hợp cùng Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (BV ĐHYD) tổ chức từ ngày 29 đến 30-11.
Một ca phẫu thuật nội soi cắt gan được thực hiện tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM. Ảnh: NP
Lý giải số người tử vong do ung thư gan tăng cao, GS Lê Trung Hải cho biết Việt Nam nằm trong vùng dịch tễ lưu hành của bệnh viêm gan do virus. Viêm gan còn được gọi sát thủ thầm lặng bởi đây là nguyên nhân chủ yếu gây xơ gan, ung thư gan.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm có trên 40.000 người Việt Nam tử vong do viêm gan virus B và C. Ngoài ra, thói quen sử dụng rượu bia, tiếp xúc nhiều hóa chất trong môi trường như aflatoxin trong thức ăn nấm mốc, các bệnh lý béo phì, các bệnh lý chuyển hóa... cũng là những nguyên nhân khiến người Việt Nam mắc ung thư gan cao.
Chia sẻ về chủ đề “Chiến lược tầm soát ung thư tế bào gan” tại hội nghị, PGS-TS-BS Bùi Hữu Hoàng, Trưởng khoa Tiêu hóa BV ĐHYD, cho biết ung thư tế bào gan (loại ung thư gan phổ biến nhất) thường bị bỏ sót ở giai đoạn sớm do các dấu hiệu không rõ ràng.
Khi bệnh nhân có các triệu chứng như ăn uống kém, sụt cân, đau tức vùng dưới sườn phải, vàng mắt, phù chân, bụng to... thì đã vào giai đoạn muộn, điều trị nâng thể trạng, giảm đau đớn là chính. Do vậy, vai trò của việc tầm soát sớm bệnh là rất quan trọng, giúp người bệnh có cơ hội điều trị triệt để và hiệu quả hơn.
Theo PGS Bùi Hữu Hoàng, người dân cần quan tâm tầm soát sớm bệnh để tăng khả năng điều trị triệt để và hiệu quả. Những người có nguy cơ mắc ung thư gan cao gồm người bệnh viêm gan mạn tính do virus B,C, bị xơ gan do bất kỳ nguyên nhân nào nên theo dõi, khám sức khỏe định kỳ mỗi sáu tháng/lần, thực hiện siêu âm bụng, xét nghiệm và chẩn đoán chuyên sâu nếu phát hiện có khối u bất thường trong gan.
Ngoài ra, nên chủ động phòng ngừa bệnh bằng cách chủng ngừa viêm gan B, hiện đã có vaccine. Bên cạnh đó, cần ý thức đi khám sức khỏe định kỳ để phát hiện và chữa trị tốt bệnh gan, duy trì chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh, hạn chế rượu bia, không để thừa cân béo phì.