Đến triều Nguyễn, luật hồi tị được bổ sung một số quy định chặt chẽ hơn: Quan không được tậu đất, vườn, ruộng, nhà tại nơi cai trị; quan không được lấy người cùng quê làm trợ thủ; người có quan hệ thầy trò, anh em ruột, anh em con chú, con bác và bạn bè không được làm việc tại cùng một công sở; cấm các quan đã về hưu quay lại cửa công để cầu cạnh… Đây là những biện pháp ngăn ngừa kết bè kéo cánh, nạn tham nhũng, cát cứ, chạy theo lợi ích cục bộ.
Hiện nay cũng có một số quy định tương tự hồi tị trong các lĩnh vực thi cử, tư pháp và quản lý kinh tế. Mặt khác, chúng ta cũng biết ông Võ Văn Kiệt khi lên làm thủ tướng đã đình chỉ ngay quyết định cử con trai ông tham gia một chức vụ ở tổng công ty dầu khí. Ông Phan Văn Khải lên làm thủ tướng cũng yêu cầu con trai rút khỏi chức vụ lãnh đạo một công ty tư nhân. Tuy nhiên, những hành xử như vậy không nhiều.
Ở nông thôn thì khó tránh khỏi hiện tượng nhiều người trong họ hàng cùng làm việc xã vì họ là dân địa phương, không thoát ly đi đâu được. Nhưng dư luận không thể bằng lòng với tình trạng kết bè kết cánh, tranh đấu giữa “chi ủy họ mình” và “chi ủy họ nó”. Còn ở các cấp cao hơn, tình trạng ưu tiên tuyển dụng, bổ nhiệm con cháu, họ hàng chỉ có thể giải thích là do cán bộ thiếu gương mẫu hoặc do lợi ích nhóm. Tại sao phải kéo con cháu, họ hàng của mình vào? Nếu không phải để chia cho dễ thì cũng là để quyết cho thuận lợi?
Ai cũng biết năm 1945, khi cách mạng mới thành công và sau này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mời rất nhiều nhân sĩ yêu nước ngoài Đảng và quan chức cao cấp của chế độ cũ tham gia chính quyền. Điều đó chứng tỏ chính quyền ta rất mạnh, Đảng rất mạnh, mặc dù lúc mới giành chính quyền mới chỉ có 5.000 đảng viên.
Bây giờ đảng viên có đến ba triệu người, ở bất cứ thôn xóm nào cũng có. Thế mà cứ co cụm vào nhau, hết con cháu, anh em đến họ hàng là sao? Dân phản ứng đâu phải là vô cớ.
Để chấm dứt tình trạng này, theo tôi cần phải tổ chức thi tuyển và bầu cử người vào các chức danh một cách công khai, minh bạch. Mặt khác, cần tham khảo nguyên tắc hồi tị để sửa đổi, bổ sung Luật Cán bộ, công chức; Luật Viên chức và các luật khác nhằm tránh tình trạng “cả họ làm quan”. Một điều quan trọng nữa là phải phát huy vai trò làm chủ, vai trò giám sát của người dân. Đó là trách nhiệm của cấp ủy và chính quyền. Cần nhớ rằng dân còn bức xúc, còn phê bình cho là tốt. Chứ đến mức dân chán không buồn nói nữa thì… hết chuyện rồi.
GS NGUYỄN MINH THUYẾT, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội