Nhà 8B Lê Trực thách thức chỉ đạo của Thủ tướng

Tính ra, trong bốn năm (từ năm 2015 đến nay), Thủ tướng đã có đến sáu lần yêu cầu UBND TP Hà Nội giải quyết dứt điểm sai phạm của công trình này.

Vì sao kết quả quá chậm hệt như một sự thất bại của việc thực thi pháp luật vậy? Rồi khi Thủ tướng chỉ đạo sáu lần mà vẫn không thực hiện, chẳng lẽ chủ tịch UBND TP Hà Nội không bị chế tài nào hay sao?

Nằm ngay trung tâm thủ đô, sai phạm chủ yếu của công trình tai tiếng trên là lố tầng. So với giấy phép xây dựng đã được cấp, chủ đầu tư của công trình đã tự ý tăng chiều cao các tầng, xây thêm tầng 19. Với tổng chiều cao hiện tại khoảng 69 m thì công trình vượt 16 m, tương đương năm tầng. Diện tích sàn đã xây dựng khoảng 36.000 m2, tăng trái phép trên 6.000 m2…

Phải nói ngay là những con số khủng đó nếu trước đây dễ dàng lọt qua đủ cửa giám sát, xử lý của nhiều cấp quản lý ở địa phương thì nay quay qua gây lắm trần ai cho việc cưỡng chế phá dỡ.

Công trình số 8B Lê Trực. Ảnh: TRỌNG PHÚ

Việc cắt ngọn phần diện tích vi phạm đã phải được chính quyền Hà Nội chia làm hai giai đoạn. Nếu giai đoạn một phải mất gần một năm mới xong thì giai đoạn hai (xử lý phần không giật cấp) đang bị khựng lại khá lâu do nguy cơ gây mất an toàn cho tòa nhà và cư dân sinh sống ở đây.

“Để đảm bảo kỷ cương phép nước thì có đập cả tòa nhà này cũng phải làm, vì công trình sai từ móng, từ tầng một”. Chính vì lý do “mất an toàn” nói trên mà trong lần trả lời thắc mắc của các cử tri vào giữa tháng 6 qua, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã có lời quả quyết gây ấn tượng với dư luận cả nước như vậy.

Thế nhưng nói là một chuyện, còn làm được hay không và như thế nào thì lại là chuyện khác. Diễn biến của vụ việc và sáu lần chỉ đạo của Thủ tướng cho thấy UBND TP Hà Nội đã có sự kéo dài rất khó chấp nhận trong việc khắc phục các yếu kém trong công tác quản lý quy hoạch và trật tự xây dựng đô thị ở công trình trên.

Cũng từ đó, những bức xúc của đông đảo người dân như không chấp nhận “phạt cho tồn tại” với lý do “tránh lãng phí cho xã hội” hoặc “không an toàn về kỹ thuật” càng tăng lên.

Cũng từ đó, có không ít lần ở diễn đàn Quốc hội, nhiều đại biểu đã dẫn chiếu vụ tòa nhà 8B Lê Trực và nhiều công trình vi phạm tương tự để chất vấn. Rằng vì sao có những loại vi phạm xảy ra giữa thanh thiên bạch nhật hoặc diễn ra trên quy mô rộng lớn, kéo dài nhiều tháng, nhiều năm hoặc lặp đi lặp lại mà chính quyền và các cơ quan chức năng không hay biết, không kịp thời ngăn chặn, hay khi phát hiện thì nể nang, xuê xoa, nhẹ tay trong xử lý?...

Rằng cần phải tháo dỡ ngay những công trình sai phạm, tuy có gây thiệt hại không hề nhỏ nhưng sẽ đem lại lợi ích lớn hơn, đó là giảm thiểu được tình trạng khinh nhờn luật pháp để không có việc đến một lúc nào đó thì xã hội sẽ như thể không có pháp trị.

Hiện tại, ngoài Hà Nội có tòa nhà 8B Lê Trực thì nhiều tỉnh, thành khác trên cả nước cũng có nhiều công trình xây dựng trái phép có sự ảnh hưởng lớn, khiến cộng đồng giận dữ hoặc lo ngại về sự xí xóa.

Chẳng hạn, Hà Giang có Mã Pì Lèng; Đồng Nai có công trình khu phức hợp thương mại dịch vụ và căn hộ cao cấp không phép trên khu đất 22.000 m2 nằm giữa trung tâm TP Biên Hòa. Hay như TP.HCM có đến 110 căn nhà liên kế đã xây xong phần thô trên diện tích đất chưa chuyển sang đất ở thuộc dự án khu nhà ở cao tầng tại phường Phú Mỹquận 7

Thực tế này cho thấy những chỉ đạo đã nêu của Thủ tướng không chỉ dành riêng cho vi phạm của tòa nhà 8B Lê Trực mà còn áp dụng cho nhiều công trình sai phạm khác để kỷ cương, pháp luật được bảo đảm tuyệt đối. Điều cần được lưu tâm tiếp theo là những cơ quan thừa hành ở Hà Nội và các tỉnh, thành khác có thật sự muốn ra tay hay không mà thôi.

Cùng cố gắng chờ thêm đi. Dù Thủ tướng không đề ra hạn định cụ thể nhưng chủ tịch UBND TP Hà Nội nhất định sẽ nỗ lực không để lâu hơn nữa việc “có đập cả tòa nhà cũng phải làm, vì công trình sai từ móng, từ tầng một”. Bởi một lẽ rất đơn giản, tháo dỡ các phần sai phạm là chuyện phải làm theo đúng quy định và bất kỳ chủ tịch tỉnh, thành nào nếu tự cho phép mình có sự ngoại lệ, không chấp hành nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng cũng đều phải bị xử lý.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới