Chiếc xe máy của tôi ngập đầy bùn đất đỏ trước khi đến địa phận huyện biên giới Tây Giang. Trời chập choạng vào tối, mưa lất phất ướt nhèm. Tôi hỏi một người đàn ông ở gần đó về chuyện “phố giữa đại ngàn”, ông cười rồi chỉ tay về phía một con đường có cổng chào nhỏ phía trước có vài lá cờ rủ xuống vì nước mưa.
“Nhà có số rồi!”
Tôi vào thôn Tà Vàng (xã Atiêng), đứng cạnh một ngôi nhà cao nhất làng để hỏi nhà trưởng thôn Tà Vàng. Một người phụ nữ đang dệt vải ở cạnh hỏi ngược lại tôi: “Không biết số nhà ông trưởng thôn à? Nhà 40, dãy bên kia”.
Đập vào mắt tôi là một biển hiệu màu xanh bên trên khung cửa sổ có ghi: Thôn Tà Vàng, xã Atiêng, số 40, Alăng Nhêng. Người phụ nữ giữ con nói với tôi rằng ông Alăng Nhêng không có ở nhà. Một già làng lớn tuổi ở cạnh mời tôi vào trong ngôi nhà gỗ của mình ở số 43. Tôi ngó tấm biển xanh ở trước cửa rồi hỏi có phải già tên Alăng Gêl. Già Gêl bảo: “Đúng rồi, từ khi nhà có số thì người dân trong làng cảm thấy rất ưng cái bụng. Chỉ cần đến một nhà nào đó rồi đọc trên biển sẽ biết được chủ nhà rồi địa điểm thôn, xã luôn nên rất thuận lợi. Giờ chỉ cần có số nhà rồi thì có lỡ say rượu cũng nhớ rõ cái số mà không bị nhầm nữa”.
Chúng tôi gặp già Pơlong Dêêc ở bên kia Gươl. Già năm nay ngoài 60 tuổi đời nhưng vẫn minh mẫn lắm. Trong ngôi nhà gỗ ấm cúng cùng ché rượu Tr’din có vị nồng nồng chát chát, già say sưa kể về chuyện làng xóm gần đây. Cả làng có đến 76 hộ dân nhưng giờ nhà nào cũng đều có “biển xanh” rõ ràng nên không lẫn lộn như trước nữa. “Cán bộ đến thôn chỉ cần theo số mà giở ra, có tất tần tật hết mọi thứ từ tên chủ hộ cho đến thành viên gia đình, nơi khác trong huyện không có số nhà đâu” - già Pơlong Dêêc nói rồi cười khà khà.
Người dân vui mừng kể từ khi nhà được gắn số. Ảnh: HUY TRƯỜNG
Không còn lo lẫn lộn giấy tờ, thông tin
Alăng Natasa, cán bộ xã đi cùng nói với tôi rằng từ khi gắn số nhà ở thôn thì việc quản lý trở nên thuận lợi hơn rất nhiều. “Cần chuyển quà cáp hay giấy tờ gì, chỉ cần có số nhà và thôn là quà sẽ đến trúng phóc. Ở các huyện lân cận như Phước Sơn, Đông Giang, Nam Giang chưa có được như thế này. Ngoài ra, việc đánh số nhà giúp chính quyền địa phương dễ dàng quản lý và rà soát các hộ nghèo để kịp thời giúp đỡ. Như ở thôn Tà Vàng có 76 hộ nhưng đã có đến 15 hộ nghèo”. Theo anh, dữ liệu hộ nghèo được cập nhật kịp thời, ngắn gọn và dễ mô tả hơn từ khi có số nhà.
Không chỉ ở thôn Tà Vàng, xã Atiêng được chọn làm xã thí điểm mô hình đánh số nhà, còn có hai thôn khác là Aching 1 và Aching 2. Đường vào “phố” Aching 2 phải băng qua một cây cầu nhỏ hẹp. Chiều dài cây cầu khoảng trăm mét nhưng bề ngang rất hẹp, chỉ vừa một xe máy. Đầu cầu còn có biển cảnh báo cầu yếu rất nguy hiểm. Tôi không thể điều khiển xe máy qua cầu được bởi bề ngang quá nhỏ. “Anh cứ ngồi thẳng lên mà chạy qua chứ đừng chống chân sẽ ngã đó. Mấy năm rồi dân đi qua cầu này quen chứ người lạ đi qua không được đâu” - ông Pơloong Lách, một người dân trong thôn, chỉ dẫn.
Dẫn tôi về ngôi nhà đánh số 14 của mình, già Lách hớn hở cho biết hồi cán bộ đến gắn cái biển số nhà với cái tên mình lên cửa, ông ngạc nhiên và vui lắm. Ai ngờ tận nơi sơn dã này mà nhà được gắn biển số y như ở TP. Ai ngờ cái tên mình được viết đẹp quá chừng, treo lên bảng thì nhìn thôi cũng sướng lâng lâng. “Vì ở trong thôn cũng có khá nhiều người có tên gần giống nhau nên hồi trước hay lẫn lộn, kể từ khi có số nhà thì khỏi lo nhầm lẫn nữa”.
Mong muốn một cây cầu an toàn vào thôn. Ảnh: HUY TRƯỜNG
Một góc huyện biên giới Tây Giang. Ảnh: HUY TRƯỜNG
Sẽ đưa số nhà vào hộ khẩu
Bên cạnh nhà già Lách là số nhà 16 của anh Pơloong Acông, Phó Chủ tịch xã Atiêng. Anh cho biết việc gắn số nhà có ý nghĩa thiết thực đối với người dân. Mỗi lần hội họp, trao đổi thông tin về hoạt động trong thôn, chỉ cần nói số nhà là mọi người sẽ biết việc đang đề cập có liên quan đến nhà nào. Dân lỡ có quên giấy tờ gì khi đến xã thì chỉ cần đọc số nhà là cán bộ có thể kiểm tra thông tin chứ không như trước đây phải về nhà lấy nữa.
Ông Arất Blúi, Phó Chủ tịch huyện Tây Giang, là người đã có sáng kiến lập ra việc gắn số nhà này. Ông cho biết ý tưởng này xuất phát trong một chuyến công tác từ Hà Nội trở về. Nhận thấy nếu trên phố có số nhà thì sẽ thuận tiện cho việc quản lý nên ông đã trao đổi cùng lãnh đạo là Bí thư huyện B’ríu Liếc và được chấp thuận. Việc gắn số nhà được thí điểm ở ba xã là Atiêng, Dang và Lăng. “Việc gắn số nhà ở địa phương có kèm tên chủ hộ rất thuận lợi cho việc quản lý số nhân khẩu cũng như một số vấn đề khác ở địa phương. Mô hình này bắt đầu thực hiện từ năm 2014 đến nay và đạt được nhiều hiệu quả. Bên cạnh gắn số nhà sẽ còn có tên chủ hộ nên rất dễ dàng tra cứu và quản lý. Huyện đang nhân rộng mô hình trên, dự kiến trong năm này sẽ gắn số nhà cho dân trên toàn huyện. Sắp tới, huyện sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng đưa số nhà vào giấy đỏ, sổ quản lý nhân khẩu. Hiện số nhà được lưu vào phần mềm máy tính, khi có thay đổi về chủ hộ, địa điểm cư trú hoặc có hộ gia đình thoát nghèo thì chỉ cần chỉnh sửa trên máy tính” - ông Blúi cho biết.
Mong có cây cầu chắc để vào “phố” “Phố” ở Aching 2 thì cũng đã bắt đầu rồi. Chỉ có điều là đường vào thì phải qua một cây cầu cũ nên rất khó cho người dân. Trong năm vừa rồi cây cầu xuống cấp rất nặng, đi lại rất nguy hiểm nên chính quyền địa phương phải trích kinh phí 20 triệu đồng để khắc phục tạm thời. Tuy nhiên, nay cầu nhỏ lại yếu, rất nguy hiểm. Chính vì vậy mong muốn của người dân là có được một cây cầu vừa đủ rộng và an toàn để người dân đi lại. Ông BRÍU QUÂN, Bí thư xã Atiêng |