Nghĩa là đối với hàng ngàn căn nhà trũng thấp như hang đang tồn tại, người dân - nhất là những người có hoàn cảnh khó khăn sẽ được hỗ trợ vay vốn để sửa chữa nhà. Còn đối với các dự án mới, những căn nhà bị ảnh hưởng tương tự sẽ được bồi thường thỏa đáng.
Quan trọng hơn, nếu đề xuất của Sở Xây dựng TP được chấp thuận, từ nay người dân bị ảnh hưởng bởi các dự án nâng đường, nâng hẻm sẽ có trong tay cơ sở pháp lý rõ ràng hơn để yêu cầu chủ đầu tư các dự án phải bồi thường thiệt hại. Người dân bị ảnh hưởng không phải rơi vào thế bị động như trước đây - khi thấy nhà biến thành hang rồi mới tá hỏa chạy ngược chạy xuôi vay tiền sửa chữa. Và với cách thực hiện này, các cơ quan quản lý nhà nước cũng không phải đau đầu khi cứ phải “bám đuôi” giải quyết hậu quả mà các dự án nâng đường, nâng hẻm gây ra.
Thật ra trước đây không phải không có cơ sở pháp lý để yêu cầu các chủ dự án nâng đường bồi thường hỗ trợ thiệt hại. Cụ thể là Điều 627 Bộ luật Dân sự năm 2005; hay khoản 4 Điều 119 Luật Xây dựng năm 2014 cũng có quy định: “Tổ chức, cá nhân gây ra sự cố công trình phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại và chịu chi phí có liên quan…”. Song một phần do người dân không rành luật, một phần vì nhiều dự án lấy lý do chỉnh trang đô thị kết hợp chống ngập (nâng đường, nâng hẻm) cấp bách nên cứ thực hiện ào ào, không cân nhắc thiệt hại của dân.
Chủ đầu tư các dự án này luôn lập luận: TP có cốt nền quá thấp nên chuyện nâng đường, nâng hẻm là tất yếu, phải làm. Còn người dân bị ảnh hưởng thì ấm ức: “Nếu nhà biến thành hang thì thà bị ngập còn sướng hơn”. Mâu thuẫn giữa quyền lợi chung và lợi ích riêng cứ như hai đường thẳng song song, kéo dài hoài mà không có điểm dừng, điểm gặp. Điều cần nhất ở đây là phải có sự hài hòa về mặt lợi ích. Và để lợi ích chung được đặt lên thì các lợi ích riêng của người dân cũng cần phải được giải quyết một cách thỏa đáng. Có như vậy mới tạo được sự đồng thuận cao của xã hội.
Theo đồ án quy hoạch chung của TP đến năm 2025 (được Thủ tướng phê duyệt năm 2010), cao độ nền đất xây dựng tối thiểu phải được 2 m. Do đó, với các dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là dự án nâng cấp đường hẻm, cao độ thiết kế tối thiểu cũng phải được 2 m. Với phần lớn diện tích có cốt nền thấp hơn 1,3 m, trong thời gian tới những dự án nâng đường, nâng hẻm trên địa bàn TP sẽ còn được thực hiện rất nhiều. Vì thế người dân đang rất nóng lòng chờ đợi những quyết định hợp tình, hợp lý của UBND TP để câu chuyện “nhà biến thành hang” không còn là nỗi ám ảnh, âu lo.