Theo chia sẻ của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam, nhà văn Trần Huy Quang đã qua đời ở tuổi 80 vào lúc 17h40’ ngày 15-12 tại Hà Nội sau một thời gian lâm trọng bệnh.
Nhà văn Trần Huy Quang (1943-2022). Ảnh: FBNV |
Nhà văn Trần Huy Quang sinh ngày 9-1-1943 tại xã Quỳnh Minh, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Ông tốt nghiệp khoa Sử của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và từng là bộ đội pháo binh. Sau giải ngũ, ông trở thành phóng viên rồi sau đó làm Biên tập viên tuần báo Văn nghệ.
Nhà văn Trần Huy Quang để lại nhiều tác phẩm tiêu biểu, có thể kể tới: "Sự trắc trở đã qua" (1984); tiểu thuyết "Ngày mai" (1985); tiểu thuyết "Ngọn khói" (1986); tập truyện ký "Người làm chứng" (1988); tiểu thuyết "Khúc hoàn lương" (1995); tiểu thuyết "Những cô gái Đồng Lộc" (1998)...
Một số tác phẩm của nhà văn Trần Huy Quang. Ảnh: TL |
Không chỉ gây chú ý ở mảng truyện ngắn và tiểu thuyết, các phóng sự của nhà văn Trần Huy Quang như "Câu chuyện về ông vua lốp" và "Lời khai của một bị can" cũng từng gây xôn xao dư luận bởi sự dấn thân, cách tiếp cận vấn đề mới lạ, hấp dẫn.
Trong đó, "Câu chuyện về ông vua lốp" đoạt giải nhất cuộc thi báo Văn Nghệ và Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức năm 1986 và bút ký "Lời khai của một bị can" được giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1987.
Sự ra đi của nhà văn Trần Huy Quang để lại niềm thương tiếc với đồng nghiệp và nhiều thế hệ độc giả.
Trong bài viết tiễn biệt nhà văn Trần Huy Quang, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam chia sẻ: "Những năm tháng làm việc cùng cơ quan với ông, tôi chưa thấy ông nổi giận với đồng nghiệp trong cuộc sống và công việc bao giờ. Nhưng tôi thấy lương tâm ông luôn nổi giận. Xin cúi đầu tiễn biệt ông".
Chia sẻ của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều. Ảnh: Chụp màn hình |
Bên cạnh đó, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cũng khẳng định: "Hội nhà văn Việt Nam sẽ tổ chức tang lễ cho ông sau khi có quyết định của gia đình".
Nói về nhà văn Trần Huy Quang, tác giả Vương Tâm khẳng định, văn chương của nhà văn Trần Huy Quang là "sự mơ mộng đến không cùng của một tấm lòng hướng thiện cầu mong cho cuộc sống an lành", như lời tự bạch của ông trong tác phẩm "Khoảng trống": "Để nhằm an ủi một người thiệt thòi là tôi, nâng tôi lên trong cơn tuyệt vọng, đưa tôi vượt qua sự chán nản và đừng ngã lòng trước những hiểm họa và thất vọng" (Khoảng trống - 2008).
Nhà thơ Văn Công Hùng cũng đã chia sẻ những kỷ niệm với nhà văn Trần Huy Quang trên trang cá nhân để tiễn biệt ông.
Nhà văn Trần Huy Quang (thứ 2 trái qua) cùng nhà thơ Văn Công Hùng trong một chuyến đi tại Đà Nẵng. Ảnh: FBNV |
“Vĩnh biệt bác "Linh nghiệm".Tất nhiên nhà văn Trần Huy Quang không chỉ có Linh nghiệm, ông có mấy cái phóng sự lừng danh thời bác Nguyên Ngọc làm Tổng biên tập, trong đó có ông vua lốp và lời khai của bị can chấn động công luận.
Có lần ông một mình vào Tây Nguyên, chả nhớ làm gì hay... lánh nạn. Ông nói với tôi: Mình muốn đi Kon Tum cái cho biết. OK chuyện nhỏ, dù mình chỉ có con cup 81. Gạ lão bạn nhà báo nhưng có... Dream: Có bác như thế như thế muốn đi KT. Nó à lên, ôi bác Quang thì OK.
Thế là nó chạy Dream chở bác Quang, nhà cháu chạy con cup lẽo đẽo phía sau, lang thang hết 1 ngày Kon Tum, chiều về Pleiku nhậu. Đấy là lần đầu tiên mình gặp thần tượng. Tất nhiên là nhà cháu khai thác ông chuyện... linh nghiệm, ông chỉ cười rất hiền và điềm tĩnh, không hung hăng cũng không sợ sệt, như là chuyện đương nhiên phải thế... sau đấy thì nhiều lần được... sánh vai với bác trong các cuộc tụ bạn dù hình như ông ít nói và cũng ít uống.
Mới đây đọc phây biết ông ốm phải ra bệnh viện Hà Nội, nhắn hỏi bác ốm à, thấy ông like phát vào đấy. Và hôm qua thì đồng loạt bạn văn báo tin bác mất.
Thôi vĩnh biệt bác, đời viết văn thế cũng đủ để bác thảnh thơi gác bút rong chơi miền mây trắng’ – nhà thơ Văn Công Hùng bày tỏ.