Sau hơn hai năm lặng lẽ, ca sĩ bán cổ điển Phạm Thu Hà vừa ra mắt sản phẩm mới nhất: đĩa than Đường em đi với những tuyệt tác của nhạc sĩ Phạm Duy. Chọn một con đường không dễ dàng, nhưng người đẹp hát nhạc bán cổ điển này mỗi khi xuất hiện đều tạo nên dấu ấn đậm nét của mình, mà đĩa than “Đường em đi” đã làm nên điều đó.
Khóc với bài thi tốt nghiệp
. Với sự ra đời của “Đường em đi” chị có nhu cầu chứng tỏ điều gì không ?.
+ “Đường em đi” được ra đời không vì mục tiêu muốn chứng tỏ điều gì. Tôi làm như một sự “trả nợ” cho tình yêu, sự ngưỡng mộ dành cho âm nhạc của Phạm Duy bấy lâu nay. Nếu sản phẩm đem đến một hơi thở mới mẻ nào đó cho nền âm nhạc Việt ở thời điểm hiện tại thì đó thật sự là một niềm hân hạnh lớn. Và sự đón nhận, ủng hộ của khán giả mới chính là phần thưởng lớn nhất với tôi.
.Rõ ràng dù muốn chứng tỏ hay không thì ở chị đã chứng minh mình đang sỡ hữu một giọng ca đẹp, tươi mới nhưng vẫn giữ được cái hồn của những tác phẩm kinh điển, chị làm thế nào để có được điều đó?
+ Thật sự, bán cổ điển là một dòng nhạc khá đặc trưng, ở chỗ nó vừa khó nghe, vừa khó hát. Tôi bắt đầu từ hệ trung cấp thanh nhạc và sau đó là bậc đại học, cao học tại Học viện âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Quá trình học hỏi là không ngừng nghỉ và chỉ cần một chút lơ là, lười biếng là bạn có thể đánh mất những tố chất trong giọng hát của mình.
Nhạc bán cổ điển không dành cho người không đam mê, không nghị lực, thiếu kiên nhẫn và không dám hy sinh. Thực sự, chúng tôi đã phải tự đưa mình vào một nếp sống khuôn khổ để luyện tập.
Mỗi khi xuất hiện trên sân khấu, các nghệ sĩ cổ điển, bán cổ điển thường khiến khán giả choáng ngợp bởi hình ảnh sang trọng và lộng lẫy.
. Chị có kỷ niệm đặc biệt nào khi còn theo học thanh nhạc tại Nhạc viện?
+ Ngày đầu những năm Trung cấp, tôi may mắn được học cô Mỹ Bình (Nhà giáo ưu tú, NSƯT). Giáo án của cô lúc nào cũng rất nghiêm khắc với lịch luyện thanh dày đặc.Trước khi vào giờ, cô thường yêu cầu học sinh chạy vài vòng trường, ém cho hơi thở thật chắc. Nếu không kiên trì và có một thể lực tốt thì khó có thể hoàn thành các môn học của cô.
Với bài thi tốt nghiệp cao học thanh nhạc biểu diễn, chúng tôi phải biểu diễn 16 tác phẩm âm nhạc kinh điển của thế giới và Việt Nam. Rất nhiều người trong chúng tôi sau khi hoàn thành phần thi của mình đã bật khóc. Họ khóc không phải vì đạt điểm cao, sắp ra trường, mà họ khóc vì đã vượt qua được chính để trở thành chính nhân vật trong các tác phẩm âm nhạc. Để làm được điều này, ít ai biết họ đã hy sinh rất nhiều thứ từ thời gian, công sức, tiền bạc và thậm chí cả cuộc sống riêng.
Cay đắng nghe những lời dị nghị
. Mỗi khi xuất hiện trên sân khấu, các nghệ sĩ cổ điển, bán cổ điển thường khiến khán giả choáng ngợp bởi hình ảnh sang trọng và lộng lẫy. Đằng sau ánh đèn sân khấu là gì, thưa chị?
+ Không biết các nghệ sĩ khác thế nào, còn cuộc sống của tôi khá đơn giản. Tôi ăn ngủ điều độ để giữ cho mình sức khỏe tốt. Tôi không giao tiếp nhiều nên mọi người chắc sẽ rất khó gặp tôi la cà ở các quán cà phê hay cửa hàng ăn uống sang trọng. Sau mỗi ngày làm việc, tôi thích trở về nhà nấu nướng và chăm sóc nhà cửa. Đọc sách, nghe nhạc hay xem những cuốn phim hay cũng góp phần giúp đời sống tinh thần của tôi dồi dào hơn.
Đường em đi người nghe đã gặp một Phạm Thu Hà của sự nhẹ nhàng, bay bổng, thanh thoát mà tinh tế, sâu lắng.
. Nhưng đầu tư cho sự sang trọng trong trang phục cũng rất tốn kém, liệu sau Phạm Thu Hà có tồn tại một đại gia nào không ?.
+ (Cười) Tôi đã mất gần một thập kỷ khá đơn độc có thể đến gần hơn với khán giả như ngày hôm nay. Nhưng thật sự ba mẹ đâu có thể nuôi ăn học mãi, chưa kể một nghệ sĩ chỉ biết đến giảng đường thì không thể có đủ trải nghiệm để hiểu và truyền tải hết các tác phẩm.
Cũng giống như nhiều bạn bè, tôi từng đi hát ở nhà hàng, các bữa tiệc, vừa để rèn nghề, vừa để có thêm thu nhập. Cũng đã không ít lần cay đắng khi nghe những lời dị nghị, đàm tiếu của người đời. Với tôi, đó là một trong số những cản trở đã và cần vượt qua bằng bản lĩnh để theo đuổi đam mê của mình.
. Sau thành công của “Đường em đi” sẽ là gì ?.
+ Tôi vốn không phải là người vội vã. Chưa kể khán giả cần có thời gian để nghe, hiểu hơn đĩa nhạc vừa rồi. Về đường dài, dĩ nhiên tôi vẫn sẽ theo đuổi con đường bán cổ điển với sự cộng tác cùng những nhạc sĩ có tầm và có tâm. Kết hợp bán cổ điển với những thể loại nhạc thịnh hành để mở rộng hơn nữa đối tượng khán giả cũng sẽ là một hướng đi được tôi lưu tâm.