Ngáo đá là chuyện quá xa, nhân đây chỉ xin bàn về chuyện say.
Mỗi lần thứ hạng về khả năng tiêu thụ bia rượu của xứ ta lên cao chót vót, người ta lại đau đầu đi tìm hiểu nguyên nhân.
Nguyên nhân cũng mỗi người một kiểu. Nhưng theo thiển ý của người viết, nguyên nhân phổ biến nhất vẫn là xuất xứ của từ “đã không zô thì thôi, đã zô rồi thì trăm phần trăm”.
Người Việt đặc biệt là ở vùng nông thôn, mỗi khi nâng chén lên cứ phải làm phát một ăn ngay, thế mới là hết lòng và đẳng cấp. Uống lừng khừng thì không chịu được, phải lảo đảo chao nghiêng đặt mình là nằm mới chịu.
Thanh niên trai tráng ở đời không biết uống rượu, chưa một lần say sẽ bị vu cho là ẻo lả đàn bà, sâu xa nữa là nghi ngờ giới tính. Nhưng đó cũng chỉ là một bộ phận nhỏ, phần đông đàn ông Việt đều có ‘kỹ năng nhậu’ rất thuần thục.
Thế nên giả sử hỏi các đấng nam nhi ai chưa một lần say ? Hẳn sẽ có ít cánh tay giơ lên.
Khi người ta say người ta ít khi là người ngay. Tức là đi xiêu đi vẹo, là gục ngã nửa đường. Ảnh minh họa
Có một câu nói phổ biến về tác động của chất men: Rượu là một thức uống có mùi có vị, khi uống nhiều thì làm đỏ mặt và bốc hơi nhân cách.
Khi người ta say, người ta thấy mình bỗng dưng nhìn đời bằng một trạng thái tầm thường khinh khỉnh.
Khi người ta say, người ta dám làm dám nói những điều mà khi tỉnh có bị sếp dọa đuổi việc hay vợ đòi cắt trợ cấp mỗi ngày cũng kiên quyết không nói ra.
Khi người ta say, gặp ngay những người thượng võ thì dù có là bạn bè thân hữu hay chức trách công an cũng dễ trở thành nạn nhân của những đòn vô phương định hướng.
Và tóm lại, khi người ta say người ta ít khi là người ngay. Tức là đi xiêu đi vẹo, tức là không thể em xinh em đứng một mình mà phải vịn, phải đỡ phải chống.
…
Có một câu chuyện kinh điển mà đàn ông sợ vợ lớp này lớp khác vẫn nhìn trước ngó sau (đề phòng vợ bất thình lình xuất hiện) kể lại cho nhau, tóm tắt như sau:
Có một ông chồng bẩm sinh sợ vợ. Anh ta có một mong ước cháy bỏng là được tát vợ một cái thật mạnh, một cái tát có thể làm trẹo má và dẫn đến tái cơ cấu hàm răng. Nghĩ nát óc, anh ta mới chơi bài say. Một ngày trời không đẹp lắm, anh ta lảo đảo đi về hùng dũng đập cửa. Vợ anh ta hung hãn lao ra vừa chửi chồng kết hợp nhúi chồng thật lực rồi lao vào đỡ chồng. Vừa khoác tay qua người chồng thì đã bị ông chồng tát luôn hai phát vào đủ hai má. Chưa kịp phản ứng vì cú ra đòn chính xác, dứt khoát, quả cảm của ông chồng, thì ông chồng đã vừa lảo đảo vừa chỉ tay vừa nói: “Cô là ai mà dám động vào người tôi. Tôi nói cho cô biết nhé, ngoài mẹ tôi và vợ tôi ra không có một người đàn bà nào được động tay vào người tôi đâu nhé”, nói xong ung dung ngã xuống.
Sáng hôm sau tỉnh dậy, anh ta rón rén thăm dò phản ứng của vợ. Thế nhưng thay vì u sầu giận giữ bà vợ lại vừa nhìn chồng thèn thẹn vừa tủm tỉm cười. Ông chồng lúc đó mới ưỡn ngực vươn vai ra oai bước đến.
Ngoài mẹ tôi và vợ tôi ra không có một người đàn bà nào được động tay vào người tôi đâu nhé. Minh họa
Thật ra người say đáng thương lắm, còn gì đáng thương hơn khi người ta say mà không nhận là mình say, cũng như khi lè lè sai nhưng dứt khoát cho mình là đúng. Nhưng thương người say không có nghĩa là đồng cảm cho việc say, lại càng không thể cổ vũ cho việc say mà làm càn.
Dĩ nhiên có những cái mượn cớ say để làm càn như ông chồng kể trên, hay mượn cớ say để hùng dũng nắm tay bạn gái hiên ngang tuyên bố thổ lộ tình yêu thì cũng chấp nhận được.