Môn toán: Phân hóa cao
Thầy Nguyễn Văn Xuân, giáo viên môn toán Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (TP.HCM), cho biết: “Đề toán năm nay về mặt hình thức khác với các năm trước là không có phần TS tự chọn. Đề không có câu tích phân riêng, thay vào đó là bài toán diện tích hình phẳng. Đa số kiến thức cơ bản phù hợp với kiến thức của ba lớp phổ thông, chủ yếu ở lớp 12, lớp 11, sau đó đến lớp 10. Đề thi toán năm nay có tính phân hóa cao với hai câu khó là câu 8, câu 9 để chọn ra học sinh giỏi. Với hai câu này, nếu em nào đã từng học ở lớp luyện thi hoặc các lớp chuyên có giáo viên dạy qua rồi thì có thể giải nhanh, lớp bình thường thì hơi khó, thậm chí không đủ thời gian làm. Theo cá nhân tôi nghĩ, học sinh có học lực trung bình có thể làm được điểm 5, học sinh khá hoặc khá giỏi có thể làm được điểm 8, riêng điểm 9, 10 thì chỉ có những em học sinh thực sự giỏi mới có thể đạt được”.
Môn lý “lạ”
Đây là nhận định về môn lý của thầy Trần Nguyên Tường, giáo viên Trung tâm Bồi dưỡng văn hóa và luyện thi ĐH (ĐH KHTN TP.HCM). Cụ thể các câu 7, 15, 38… TS không biết làm như thế nào nên chỉ còn cách đánh “lụi”. Về bố cục, đề thi có 50 câu, ngắn hơn 10 câu so với đề thi các năm trước (60 câu). Đề thi mang tính thực tế cao, có khoảng 25-30 câu dễ. TS nắm chắc kiến thức cơ bản dễ đạt 5-7 điểm.
P.Điền ghi