Nhận xe tặng, công vụ dễ bị méo mó

Pháp Luật TP.HCM ngày 27-2 đăng bài phỏng vấn TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, về vấn đề chính quyền nhận những chiếc ô tô do doanh nghiệp (DN) hoạt động trên địa bàn tặng. Ông Dũng cho rằng việc đó là vi phạm các quy định cấm của Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) và gây ra nhiều hệ quả xấu khác như đối xử bất bình đẳng với các DN khác. Trong số báo này, chúng tôi xin giới thiệu tiếp ý kiến của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH), chuyên gia liên quan đến vấn đề này.

Một thanh tra viên cao cấp, Thanh tra Chính phủ:

Vi phạm nguyên tắc xung đột lợi ích

Việc nhận quà tặng đã được Chính phủ quy định rõ. Theo đó, nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân nhận quà của cá nhân, đơn vị liên quan đến hoạt động công vụ. Khi nhận quà vượt tiêu chuẩn, chế độ thì phải từ chối. Nếu không thể từ chối được thì phải xử lý, bán hiện vật để nộp ngân sách nhà nước.

Về mặt áp dụng pháp luật, rõ ràng khi nhận được quà biếu bằng hiện vật phải bán và nộp vào ngân sách nhà nước. Việc vận dụng quy định của các cơ quan nhà nước thường được lý giải là đáng lẽ ngân sách nhà nước phải bỏ tiền ra mua nhưng vì có quà tặng bằng hiện vật nên giữ lại sử dụng luôn. Đó là tiết kiệm cho ngân sách.

Tuy nhiên, việc vận dụng này cần được xem xét về bản chất. Nếu tài sản được tặng đó đúng định mức, tiêu chuẩn đối với người được sử dụng thì vẫn vi phạm khoản 1 Điều 5 Quyết định 64 của Thủ tướng. Nó chỉ biến tướng bằng hình thức là công khai nhưng người sử dụng tài sản đó vẫn chính là mấy cán bộ có chức vụ, quyền hạn đã, đang và sẽ giải quyết công vụ cho cá nhân, đơn vị biếu tặng chứ không phải tài sản đó được sử dụng có tính chất cộng đồng.

Nếu tài sản biếu tặng đó là vượt định mức tiêu chuẩn (ô tô hạng sang đắt tiền) mà cơ quan nhà nước vận dụng để lại sử dụng thì càng cho thấy có yếu tố vụ lợi. Vì như đã nói trên, tài sản đó thực chất chỉ do một số cá nhân có chức vụ, quyền hạn được sử dụng. Nhà nước chỉ cho phép cán bộ, công chức được sử dụng tài sản ở một mức độ cụ thể. Nếu sử dụng tài sản đó tức là đã được hưởng lợi ở mức cao hơn, vượt tiêu chuẩn. Chưa kể người sử dụng đó thường là người quyết định đối với người cho tặng tài sản đó trong những công việc liên quan đến hoạt động công vụ.

Nói gì thì nói dù lập luận thế nào thì căn cứ vào các quy định của pháp luật, việc biến những chiếc xe xịn, sang trọng thành tài sản công (một cách trá hình) cũng là vi phạm nguyên tắc tránh xung đột lợi ích và Quyết định 64 của Thủ tướng.

ĐBQH NGUYỄN VĂN CHIẾN, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam:

Phải quy định cụ thể vào Luật PCTN sửa đổi tới đây

Đảng và Chính phủ hiện đang rất chú trọng đến việc thực hiện các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và PCTN để ngăn ngừa và đấu tranh tích cực với các hiện tượng tiêu cực này cũng như những biểu hiện nể nang trong thực thi công vụ của các cơ quan nhà nước. Thủ tướng Chính phủ còn có Quyết định 64/2007 nghiêm cấm việc biếu quà, nhận quà biếu trong một số trường hợp.

Nếu DN đầu tư, kinh doanh trên địa bàn tỉnh và do các cơ quan hữu quan của tỉnh chịu trách nhiệm quản lý, giải quyết (đặc biệt DN còn có vi phạm gây thiệt hại) thì việc chính quyền nhận xe tặng, quà tặng có giá trị cao sẽ khó bảo đảm sự khách quan, vô tư trong thực thi công vụ của cơ quan nhà nước. Bởi vậy việc tiếp nhận xe sang thuộc vào một trong các trường hợp bị cấm tại quy chế này.

Dưới góc độ pháp luật thì có thể xác định việc DN tặng xe sang cho địa phương là giao dịch dân sự, quan hệ tặng cho tài sản. Tuy nhiên, cần phải xem xét các bên tham gia giao dịch này. Do địa phương còn có quan hệ hành chính công vụ liên quan đến hoạt động của DN nên khi các bên tham gia vào quan hệ này cần phải công khai, minh bạch để tránh biểu hiện yêu cầu lệ thuộc, nể nang, ưu ái không đúng luật.

Tôi cho rằng bên cạnh việc xem xét kỹ lưỡng hoạt động công vụ của các cơ quan hữu quan liên quan đến DN để xác định chính xác việc tặng cho này có rơi vào một trong các trường hợp bị cấm hay không thì cần phải hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật.

Hiện các quy định về việc cho tặng quà đang nằm rải rác ở các văn bản quy phạm pháp luật. Có lẽ đã đến lúc phải hệ thống hóa lại các quy định đó để quy định chi tiết các trường hợp cho-nhận quà tặng trong Luật PCTN. Trong bối cảnh Thủ tướng tuyên bố xây dựng Chính phủ liêm chính thì việc này càng cần thiết hơn bao giờ hết.

Theo tôi, nếu việc tặng cho xe xịn của DN là không đúng, làm ảnh hưởng đến hoạt động quản lý nhà nước thì cần phải trả lại tài sản.

ĐBQH LƯU BÌNH NHƯỠNG,Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH:

Không nên nhận xe DN tặng

Việc một DN tặng xe xịn cho chính quyền là rất khó chứng minh có tiêu cực hay không. Công luận hoài nghi động cơ tặng xe của DN cho chính quyền là điều không thể tránh khỏi.

Thực tế là hiện nay các cơ quan Đảng, cơ quan nhà nước đều đã được trang bị cơ sở vật chất, phương tiện làm việc tương đối đầy đủ. Những quy định về tiêu chuẩn, định mức xe cũng rất rõ ràng nhằm bảo đảm tốt nhất cho hoạt động công vụ.

Chính vì vậy, tôi cho rằng các cơ quan, đơn vị, địa phương không nên nhận quà tặng rồi xài sang hơn nơi khác. Đặc biệt, các lãnh đạo địa phương, quan chức cũng cần phải tránh việc sử dụng những chiếc xe quá sang trọng, vượt tiêu chuẩn. Bởi điều đó sẽ rất phản cảm khi so sánh với cuộc sống của nhiều địa phương khó khăn khác và của nhiều người dân vẫn còn sống trong cảnh đói khổ.

Nếu DN có lòng và mong muốn thực hiện trách nhiệm xã hội thì các cơ quan, địa phương nên động viên họ ủng hộ những chương trình xã hội, làm từ thiện, xóa đói giảm nghèo, đóng góp xây dựng các công trình phúc lợi để cả cộng đồng được hưởng những lợi ích lâu dài và bền vững.

Chủ tịch Cà Mau nêu mục đích DN tặng xe cho tỉnh

Trong công văn gửi đến Pháp Luật TP.HCM ngày 23-2, ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho biết các mục đích DN tặng ô tô cho tỉnh này như sau: DN tặng hai ô tô cho Cà Mau nhằm phục vụ công tác kiểm tra, chỉ đạo tình hình biến đổi khí hậu và nước biển dâng, hạn hán xâm nhập mặn, đê kè, phòng chống lụt bão, cháy rừng… Tại thời điểm tặng xe, trên địa bàn tỉnh Cà Mau đang xảy ra hạn hán gay gắt kéo dài mà tỉnh lại thiếu rất nhiều xe để sử dụng, cả văn phòng tỉnh ủy và văn phòng UBND tỉnh cũng thiếu xe. Khi các đoàn trung ương đến Cà Mau bằng máy bay không mang xe theo, tỉnh có xe tốt đưa rước đi làm việc cũng tốt.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bị can Lê Viết Chữ

Nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ bị bắt

(PLO)- Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định: Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ đã nhận tiền của Nguyễn Văn Hậu để tạo điều kiện giúp Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn trúng thầu.