Nhập viện tâm thần sau khi cách ly xã hội vì COVID-19

Hơn 30 tuổi, mang ước mơ làm việc nước ngoài mang tiền về làm giàu cho gia đình, nhưng COVID-19 ập đến quá nhanh, T. phải về nước vì không thể gồng gánh kinh tế đắt đỏ ở xứ người.

Về Việt Nam T. được đưa đi cách ly tập trung ngay khi nhập cảnh theo quy định. Áp lực, buồn chán khiến T. rơi vào tình trạng nói nhảm mất kiểm soát, nhiều ngày liên không ngủ được, tinh thần lao dốc không phanh. T. được chuyển vào Bệnh viện Tâm thần Hà Nội, điều trị tại khu dành riêng cho người tâm thần bị cách ly.

Còn KH (28 tuổi), liên tục kể từ tháng 2-8-2020 phải theo dõi sức khoẻ tại Viện Sức khoẻ tâm thần với chẩn đoán rối loạn lo âu, trầm cảm nặng.

Theo bệnh án và từ chia sẻ của H, khi COVID-19 ập đến, khối công việc của cô cũng tăng lên, trong khi đó con còn nhỏ không thể đến nhà trẻ do trường đóng cửa. Chồng H. phải đi công tác xa, còn bố mẹ cô liên tục đau ốm.

H. vừa phải đảm đương công việc, vừa lo chăm sóc con và phải chạy vạy tiền lo cho bố mẹ chữa bệnh. Nhiều việc cùng đến 1 lúc khiến H. mệt mỏi, luôn có cảm không thể làm tốt điều gì. Sau nhiều tháng chống chọi, cô rơi vào trầm cảm.

Nhiều đêm liên tục H. mất ngủ, thường xuyên cáu gắt. Khi thấy người khác làm việc gì không vừa lòng hay nhìn con đau ốm, khóc lóc cô lại mất kiểm soát, nhiều lúc muốn giết người.

Theo các bác sĩ, H. đã 2 lần tự tử nhưng không thành. Hiện cô vẫn điều trị ngoại trú, chịu sự giám sát của gia đình vì không muốn chấp nhận mình mắc bệnh.

Bác sĩ Phạm Bích Hạnh, Khoa 3, Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1, cho biết trầm cảm là một trong những rối loạn tâm thần khá phổ biến trong xã hội hiện đại. Theo nhiều nghiên cứu trên thế giới, khoảng 20% dân số mắc trầm cảm dưới các dạng khác nhau.

Trong tình hình cả nước phòng dịch bệnh, cả nước đóng cửa, kinh tế khó khăn, những người trước đây có tiền sử mất ngủ, mệt mỏi nên tái khám sớm để có phương pháp điều chỉnh hợp lý. Cụ thể, trong thời gian cách ly xã hội vừa qua có 71 trường hợp được đưa vào Bệnh viện Tâm thần Hà Nội.

“Do người mắc trầm cảm nội sinh nên khó điều trị dứt điểm, trong khi đó trầm cảm do căn nguyên xác định có cơ hội chữa khỏi nếu tuân thủ đúng phác đồ điều trị và giải tỏa được căn nguyên tâm lý” - bác sĩ Hạnh khuyến cáo.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm